Cần mở rộng triển khai chế định thừa phát lại trên địa bàn cả nước

Chính trị - Ngày đăng : 06:16, 15/07/2015

(HNM) - Chiều 14-7, Báo Pháp luật xã hội phối hợp với Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức giao lưu trực tuyến về: Vị trí, vai trò của Thừa phát lại trong hoạt động bổ trợ tư pháp.

Điều kiện lập vi bằng để ghi nhận các hành vi, sự kiện theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức, có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án hoặc là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp là vấn đề nhân dân đặc biệt quan tâm. Song theo bà Hồ Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội, qua quá trình tiếp nhận, đăng ký vi bằng và trên thực tế tại các TAND trên địa bàn thành phố thì chưa có vi bằng nào được sử dụng trong việc làm chứng cứ xét xử. Điều này có thể là do trong thời gian qua, việc các tổ chức, cá nhân yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng mới chỉ dừng lại ở việc bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của những chủ thể tham gia sau này chứ chưa có việc tranh chấp dân sự cần phải sử dụng vi bằng làm chứng cứ.

Về phản ánh công tác xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án trên địa bàn Hà Nội đạt kết quả chưa cao, bà Hồ Xuân Hương lý giải, nguyên nhân chủ yếu là thời gian thí điểm ngắn, các tổ chức và cá nhân chưa hiểu rõ nên còn e ngại, chưa đặt niềm tin vào các văn phòng Thừa phát lại. Mặt khác, do các văn phòng Thừa phát lại và các Thừa phát lại mới làm quen với loại hình này nên từ công tác triển khai thực hiện các công việc đến việc chủ động tuyên truyền để người dân hiểu và đặt niềm tin đối với Thừa phát lại trong việc xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án còn chưa sâu sát, chưa tốt. "Không chỉ vậy, việc thực hiện thí điểm trong thời gian ngắn và ở diện hẹp (tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) chưa bảo đảm việc đánh giá chính xác kết quả việc triển khai thực hiện thí điểm chế định này trên địa bàn thành phố. Theo quan điểm cá nhân, phải hoàn thiện về mặt thể chế và tiếp tục cho thực hiện mở rộng trên địa bàn cả nước để có được đánh giá sát thực về tác động kinh tế - xã hội của việc thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại"- bà Hồ Xuân Hương nhận định.

Hà Phong