Đề xuất xây đường cất hạ cánh thứ 3 tại sân bay Nội Bài

Kinh tế - Ngày đăng : 14:49, 14/07/2015

Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải về phương án xây dựng đường cất hạ cánh thứ 3. Theo đó sẽ có 3 phương án nghiên cứu xây dựng đường cất hạ cánh thứ 3 của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với tổng mức đầu tư trên 38.800 tỉ đồng.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện sân bay Nội Bài có hai đường băng song song, trong đó đường băng hướng 11L/29R dài 3.200m rộng 45m, đường băng 11R/29r dài 3.800m rộng 45m. Với công suất phục vụ là 50 triệu hành khách/năm thông qua cảng với các chuyến bay của nhiều loại máy bay, thích ứng với cả những loại máy bay thân rộng bay tầm xa như Boeing 747-400; Boeing 777-200/300; Airbus A340-300/500/600, Boeing 747, Boeing 767, Airbus A350 XWB. Do vậy việc mở thêm đường cất hạ cách thứ 3 là cần thiết.

Tại báo cáo Cục Hàng không đã đưa ra 3 phương án, cụ thể:

Đường cất hạ cánh tại sân bay Nội Bài


Phương án 1 sẽ xây dựng đường cất hạ cánh số 3 cùng các công trình kỹ thuật như nhà ga hành khách, sân đỗ tàu bay, đường lăn và các công trình phụ trợ về phía Nam của cảng, đảm bảo tổng công suất thông qua cảng đạt 50 triệu hành khách/năm. Ước tính tổng mức đầu tư 75.987 tỉ đồng trong đó, riêng công tác giải phóng mặt bằng lên tới gần 40.800 tỉ đồng.

Phương án 2 xây dựng đường cất hạ cánh số 3 về phía Bắc và khu vực nhà ga, sân đỗ tàu bay đồng bộ phía Tây của cảng Nội Bài. Tổng kinh phí đầu tư ước tính khoảng 38.802 tỉ đồng. Với phương án này thì kinh phí giải phóng mặt bằng chỉ hơn 11.000 tỉ đồng vì khu vực giải phóng mặt bằng chủ yếu tập trung vào khu vực đất quân sự và đất nông nghiệp, do vậy sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Phương án 3 xây dựng đường cất hạ cánh số 3 về phía Bắc có vị trí tương tự như phương án 2. Tuy nhiên, các công trình phụ trợ như khu vực nhà ga hành khách, đường giao thông kết nối, đài chỉ huy bố trí phân tán, khó khăn trong việc thiết kế giao thông kết nối cũng như không thuận tiện trong hoạt động khai thác.

Qua đó, Cục Hàng không Việt Nam xác định phương án 2 là phương án tối ưu để xây dựng đường cất hạ cánh thứ 3.

Theo Laodong