Bảo đảm nhu cầu tối thiểu!
Đời sống - Ngày đăng : 05:42, 14/07/2015
"Tư lệnh" ngành nội vụ Nguyễn Thái Bình khẳng định, cơ chế hiện hành vẫn còn có điểm hạn chế, cần tiếp tục đổi mới trong thời gian tới.
Đối tượng hưởng lương từ ngân sách lớn
Người đứng đầu ngành nội vụ khẳng định, để bảo đảm đời sống người lao động, Chính phủ, Bộ Nội vụ đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp, chủ yếu là tăng lương tối thiểu. Từ năm 2011 đến nay, qua ba lần điều chỉnh, lương đã tăng thêm 57,5%. Mặc dù có các đánh giá khác nhau về biện pháp này, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng, chính sách kịp thời lúc đó đã phần nào giảm bớt khó khăn cho cán bộ, công chức.
Song điểm hạn chế cũng lộ ra, đó là mức lương cơ sở hiện hành 1,15 triệu đồng/tháng, thực hiện từ ngày 1-7-2013 mới đạt 44,2% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2015 của khu vực doanh nghiệp (2,6 triệu đồng/tháng). Lương cơ sở quá thấp dẫn đến mức lương ngạch, bậc, chức vụ thấp theo, tính cả 25% phụ cấp công vụ thì lương của người tốt nghiệp đại học mới đạt khoảng 3,58 triệu đồng/tháng, lương bộ trưởng khoảng 14,4 triệu đồng/tháng.
Theo lộ trình, đến năm 2020 tiền lương cơ sở phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Ảnh: Hải Anh |
Để hỗ trợ người lao động, một số cơ quan đã mở rộng đối tượng áp dụng chế độ phụ cấp đặc thù ngành nghề càng làm phát sinh sự bất hợp lý về thu nhập của người lao động giữa các ngành nghề. Chính vì vậy, chính sách trong thời gian tới phải tiếp tục được điều chỉnh, hướng đến mục tiêu bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương gắn với đổi mới hoạt động sự nghiệp công và phù hợp với khả năng nền kinh tế.
Những giải pháp thực hiện được Bộ trưởng Bộ Nội vụ đưa ra khá đa dạng. Điển hình là tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực hưởng lương từ ngân sách; nghiên cứu, từng bước mở rộng quan hệ lương thấp nhất - trung bình - tối đa cho phù hợp với quan hệ thị trường, trên cơ sở đó, hoàn thiện hệ thống thang, bậc lương và các chế độ phụ cấp; rà soát, xác định rõ các ngành, nghề đặc thù, để làm căn cứ xây dựng, hoàn thiện các chế độ trợ cấp, phụ cấp bảo đảm công bằng, hợp lý, nhất là các chế độ phụ cấp theo nghề (thâm niên, ưu đãi, trách nhiệm theo nghề).
Quan trọng là tinh giản biên chế
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định, trong nhóm giải pháp Bộ Nội vụ đưa ra, ưu tiên số một là tăng lương. Mới đây nhất, Ủy ban Cải cách chính sách tiền lương quốc gia vừa họp bàn, nếu từ nay đến cuối năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì được như quý I, tức ngân sách tiếp tục có nguồn thu ổn định thì sẽ đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét điều chỉnh tăng tiền lương cơ sở.
Lộ trình là từ nay đến năm 2020, tiền lương cơ sở phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của công chức, viên chức và tiền lương tối thiểu vùng phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động ở khu vực có quan hệ lao động. Song, việc tăng lương khó có khả năng thực hiện trong năm nay.
Ông Bùi Sỹ Lợi phân tích, nếu điều chỉnh tiền lương trong lúc chỉ số giá tiêu dùng đang ổn định như hiện nay thì vô hình trung không có giá trị. Vì tăng lương cũng đồng nghĩa với việc tăng tiền vào lưu thông, mà như thế thì giá trị đồng tiền sẽ sụt giảm. Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu và lương cơ sở cần căn cứ trên hai yếu tố: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng lên và chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động tăng lên làm ảnh hưởng đến giá trị thực của tiền lương.
Tăng lương khi đó là để bảo đảm tiền lương vẫn đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. "Hết quý I-2015, kết quả tăng trưởng của chúng ta cũng mới đạt mức 6,03%, chưa đủ điều kiện để tăng lương bởi nguyên tắc của tiền lương là tốc độ tăng năng suất lao động phải nhanh hơn tốc độ tăng lương bình quân thì mới giữ được chỉ số giá tiêu dùng. Nếu kết quả trong quý II, quý III tới đây tình hình kinh tế thuận lợi hơn, chúng ta mới có thể tính tiếp việc tăng lương" - ông Bùi Sỹ Lợi giải thích.
Dù vậy, theo Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm, tại kỳ họp cuối năm 2014, Chính phủ nhận định thu ngân sách gặp khó khăn, nên không bố trí được nguồn để điều chỉnh tiền lương cơ sở theo lộ trình. Do đó, Quốc hội quyết định thực hiện điều chỉnh chỉ tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bô, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) từ ngày 1-1-2015.
Nay đã có nguồn thì cần bàn đến chuyện tăng lương cơ sở cho các đối tượng chưa được tăng lương. Ý kiến của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm hay ông Bùi Sỹ Lợi đều dựa trên những cơ sở nhất định. Vì thế, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm Chính phủ phải cân nhắc các giải pháp để giảm gánh nặng tài chính cho những người làm công ăn lương. Nếu chưa thực hiện ngay việc tăng lương, cũng cần những giải thích thấu đáo.
Dư luận cho rằng, nguyên nhân lương thấp, ngoài yếu tố kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại, khó bố trí đủ nguồn cho cải cách tiền lương còn có nguyên nhân do đối tượng hưởng lương và trợ cấp hằng tháng (gắn với tiền lương) từ ngân sách nhà nước quá lớn - khoảng 7 triệu người, chưa bao gồm quân đội và công an.
Vậy nên, phải đồng thời giải quyết một loạt các vấn đề, điển hình là sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công sao cho hiệu quả để tạo động lực cho mỗi đơn vị tự vươn lên; sắp xếp lại bộ máy nhà nước. Ngoài ra, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế chính là biện pháp quan trọng nhất, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện bằng những con số cụ thể để tạo cơ sở cho việc giải quyết bài toán cải cách tiền lương đặt ra.