Vì một xã hội tốt đẹp hơn
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:52, 13/07/2015
Theo các chuyên gia dân số, đây là chủ đề có tính nhân văn cao, đồng thời đề cập đến vấn đề "nóng" đang được cộng đồng toàn cầu, trong đó có Việt Nam quan tâm, đó là chăm sóc SKSS cho những đối tượng chịu nhiều tác động của thiên tai, bão lũ.
Phụ nữ dễ gặp rủi ro
Khi đối mặt với những tác động của thiên tai, ngay lập tức mọi người thường nghĩ đến những nhu cầu mang tính sống còn như: Chỗ ở, thuốc men, quần áo, nước sạch… Nhưng, còn một vấn đề cấp thiết khác không thể bỏ qua, đó chính là nhu cầu được chăm sóc SKSS/KHHGĐ, giúp phụ nữ và trẻ em gái bảo vệ sức khỏe bản thân.
Tư vấn sức khỏe sinh sản cho nữ giới trong độ tuổi sinh đẻ để tránh những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra là vấn đề cấp thiết hiện nay. Ảnh: Nhật Nam |
Kinh nghiệm từ trận động đất kinh hoàng xảy ra gần thủ đô Kathmandu (Nepal) ngày 25-4 vừa qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 8.000 người cho thấy, việc Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) thiết kế bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp đặc biệt (bao gồm: Băng vệ sinh làm bằng chất liệu có thể tái sử dụng, quần áo, khăn tắm, xà phòng, bàn chải đánh răng và kem đánh răng) đã giúp phụ nữ và trẻ em gái nơi đây bảo vệ bản thân và đáp ứng các nhu cầu vệ sinh cá nhân căn bản trong thiên tai.
Bà Ritsu Nacken, Quyền Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng, Liên hợp quốc gần đây đã cảnh báo rằng, số người buộc phải di dời khỏi nơi cư trú do khủng hoảng và thiên tai đã lên tới con số kỷ lục, gần 60 triệu người (tính đến hết năm 2014), trong đó phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên là những người phải đối mặt với nhiều mối đe dọa và rủi ro nhất. Họ không được chăm sóc sức khỏe và không được cung cấp những dịch vụ được coi là thiết yếu, đặc biệt là trong những tình huống thiên tai. "Ngay cả trong điều kiện bình thường, các biến chứng về SKSS được coi là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong và thương tật cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Khi xảy ra xung đột và thiên tai, phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên càng đối mặt với nhiều nguy cơ khác như: Bị lạm dụng, bóc lột tình dục, bạo lực và cưỡng hôn... Chính vì vậy, ngày Dân số 11-7 năm nay, UNFPA chọn chủ đề "Hỗ trợ các nhóm dân số dễ bị tổn thương trong thiên tai", đặc biệt tập trung vào đối tượng dễ bị tổn thương là phụ nữ và trẻ em gái", bà Ritsu Nacken nói.
Khẳng định trách nhiệm của ngành dân số
|
Theo UNFPA, Việt Nam đã và đang đạt mức sinh thay thế, nâng cao tuổi thọ và mức sống người dân một cách đáng kể. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. 70% dân số nước ta sống ở ven biển và ở những khu vực tương đối thấp so với mực nước biển. Sống trong vùng "rốn" bão, nhiệt đới gió mùa nên hằng năm, nước ta phải hứng chịu hàng chục cơn bão, lũ quét… Những trận bão lụt, siêu dông xảy ra gần đây đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sự an toàn và sức khỏe của người dân cả vùng thành thị lẫn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, bà Ritsu Nacken cho rằng, Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể ứng phó hiệu quả khi thiên tai xảy ra, đồng thời bảo đảm các nhu cầu quan trọng của phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên.
Đề cập đến những khó khăn mà người dân trong vùng thiên tai gặp phải, đại diện tỉnh Bình Thuận - địa phương gần đây đã gánh chịu rất nhiều hậu quả do bão lũ, hạn hán gây ra - cho biết, đối với người dân sống trong vùng thiên tai, ngoài những thiệt hại về kinh tế, các đối tượng phụ nữ, trẻ em gái thường bị bế tắc trong cuộc sống, từ đó dễ bị các tổ chức, thế lực xấu lôi kéo, dụ dỗ dẫn đến việc mua bán phụ nữ qua biên giới. Hơn nữa, tại những vùng này, việc cung cấp các dịch vụ SKSS/KHHGĐ thường không kịp thời, gián đoạn nên nguy cơ tình trạng phụ nữ mang thai ngoài ý muốn dẫn đến khó khăn càng chồng chất.
Trước những vấn đề lớn đặt ra, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - KHHGĐ khẳng định, việc hỗ trợ, chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai là trách nhiệm của đất nước, của cộng đồng, đặc biệt là của ngành dân số. Trong hoàn cảnh có thiên tai xảy ra, ngành dân số sẽ cố gắng bảo đảm cho những người dễ bị tổn thương vẫn được cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ một cách tốt nhất. Để làm được điều đó, ngoài việc củng cố, tăng cường năng lực hệ thống tổ chức, quản lý, thì việc bổ sung kiến thức cho các cộng tác viên để sẵn sàng ứng phó với thiên tai là vô cùng quan trọng.