Sản xuất vắc xin trong thủy sản: Ném đá, dò đường!
Kinh tế - Ngày đăng : 06:49, 13/07/2015
Theo Viện Nghiên cứu NTTS I (Bộ NN&PTNT), không giống như các loại vắc xin ở động vật trên cạn, việc sản xuất vắc xin dùng trong thủy sản thường phức tạp hơn. Hiện trên thế giới có 35 loại vắc xin phòng bệnh vi khuẩn và 2 loại vắc xin phòng bệnh vi rút được đăng ký bản quyền và sử dụng trên 41 quốc gia cho các đối tượng nuôi phổ biến, gồm: Cá hồi, chép, rô phi, cá bơn và cá bơn đuôi vàng.
Việc ứng dụng vắc xin trong chăn nuôi thủy sản ở nước ta chưa được quan tâm, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh luôn ở mức cao. Ảnh: Sơn Hà |
Theo bà Đặng Thị Lụa (Viện Nghiên cứu NTTS I), từ những năm 2003-2007, Viện Nghiên cứu NTTS I đã nghiên cứu thử nghiệm vắc xin vô hoạt phòng bệnh xuất huyết trên cá trắm và vắc xin phòng bệnh lở loét do vi khuẩn Vibrio gây ra trên cá song nuôi biển. Đến nay, đã có hàng trăm công trình nghiên cứu sản xuất vắc xin trong phòng, chống dịch bệnh thủy sản ở nước ta, tuy nhiên việc ứng dụng còn nhiều hạn chế.
Do đặc tính sinh học của nhóm giáp xác bao gồm có tôm sú và tôm thẻ chân trắng (hai đối tượng nuôi chủ lực ở nước ta) không có hệ miễn dịch đặc hiệu hoặc có nhưng rất yếu nên hiệu quả sử dụng vắc xin phòng bệnh của chúng rất kém. Vì vậy ở Việt Nam cũng như trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh cho tôm nên tình hình dịch bệnh thủy sản vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Năm 2014, cả nước có tới 59.579ha nuôi tôm bị thiệt hại (chiếm 8,75% diện tích nuôi); bệnh trên tôm hùm cũng xuất hiện tại 15.000 lồng, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng cho người nuôi.
Thực tế, đặc thù NTTS ở nước ta chủ yếu là nuôi nông hộ, quy mô nhỏ nên gây khó cho việc nghiên cứu, sử dụng vắc xin. Các sản phẩm vắc xin tạo ra chủ yếu ở dạng nghiên cứu thử nghiệm quy mô phòng thí nghiệm, chưa được nghiên cứu thử nghiệm ở quy mô công nghiệp, đại trà, ngoại trừ vắc xin sản xuất cho cá rô phi do Công ty cổ phần Dược và Vật tư thú y (HANVET) đang sản xuất. Do chưa có vắc xin thương mại do chính Việt Nam sản xuất nên công tác phòng, chống dịch bệnh trong NTTS gặp nhiều khó khăn. Hiện các loại vắc xin dùng cho loại bệnh nguy hiểm như: Hoại tử gan, suy hô hấp đều phải nhập khẩu với giá cao. Trong khi đó, cơ sở trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu sản xuất vắc xin còn chưa đồng bộ; trình độ chuyên môn của cán bộ trong nghiên cứu vắc xin thủy sản cũng hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, để tháo gỡ những bất cập trên, thời gian tới các nghiên cứu nên tập trung vào giải quyết các loại bệnh nguy hiểm đối với một số đối tượng nuôi chủ lực như tôm nuôi nước lợ, cá tra, cá rô phi. Các công trình nghiên cứu về vắc xin nên tập trung vào những đối tượng nuôi chủ lực là tôm, cá tra, đồng thời chú trọng tới các loại bệnh thường gặp ở Việt Nam để sản xuất ra một loại vắc xin phù hợp, mang tính đại trà và hiệu quả cao.
Ông Tám cũng cho rằng, các cơ sở nghiên cứu về vắc xin cần chú trọng đào tạo nhân lực đi đôi với đầu tư, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu. Ngoài ra, cần tránh đầu tư dàn trải hoặc có thiết bị mà không có người sử dụng được, vừa gây lãng phí tiền của vừa không mang lại kết quả ứng dụng. Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu vắc xin dùng trong NTTS, đặc biệt là đầu tư mang tính dài hơi để mang lại hiệu quả cao nhất.