Cắm mốc chỉ giới hành lang Sông Nhuệ: Nhiều vướng mắc cần làm rõ
Đời sống - Ngày đăng : 06:21, 13/07/2015
Ngổn ngang trăm mối lo
Thời gian qua, việc chưa có mốc giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi (HLBVCTTL) Sông Nhuệ đã khiến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân sống hai bên bờ sông gặp nhiều khó khăn. Điều này cũng dẫn đến vướng mắc trong công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng đối với chính quyền sở tại. Chính vì vậy, Quyết định số 5168/QĐ-UBND ngày 8-10-2014, phê duyệt chỉ giới HLBVCTTL Sông Nhuệ trên địa bàn TP Hà Nội, tỷ lệ 1/500 của UBND thành phố được đánh giá là một quyết định có ý nghĩa thiết thực. Theo đó, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi Sông Nhuệ trên địa bàn quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm được xác định tùy theo vị trí của sông, phụ thuộc vào đoạn sông có đê và không có đê. Với những đoạn sông hình thành bờ đê thì phạm vi bảo vệ tính từ chân mái ngoài bờ đê trở ra là 5m, riêng đối với đoạn quy hoạch để xây dựng bể lắng bùn cát thì phạm vi bảo vệ tính từ chân mái ngoài bờ đê trở ra là 25m. Với đoạn sông không hình thành bờ đê thì phạm vi bảo vệ tính từ tim sông trở ra là 50m…
Nhiều vị trí tại Đường K2, phường Cầu Diễn được xác định là bờ đê Sông Nhuệ. |
Ngay sau khi có Quyết định 5168/QĐ-UBND, ngày 20-10-2014, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện. Sau đó ít ngày, quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm cũng có văn bản triển khai. Để nhân dân hiểu rõ và thực hiện quyết định của thành phố, đồng loạt các phường đã tổ chức tuyên truyền, vận động, niêm yết công khai các văn bản, tài liệu liên quan đến chỉ giới HLBVCTTL Sông Nhuệ… Song, ngay sau khi bắt tay vào thực hiện, nhiều hộ dân đã phản đối gay gắt và nêu rõ những băn khoăn đề nghị các cơ quan chức năng giải đáp.
Tại phường Phú Diễn (Bắc Từ Liêm), ngay thời điểm đầu tháng 12-2014, đại diện các tổ dân phố đã tập hợp ý kiến của người dân và đề nghị UBND phường báo cáo với cấp có thẩm quyền để được giải đáp kịp thời. Các ý kiến cho rằng, việc xác định đường K1B là đê không phù hợp với thực tế. Với cách xác định này, Tổ dân phố 2, phường Phú Diễn có đến 90% các hộ dân nằm vào hành lang sông. Như vậy, các gia đình này sẽ không được xây dựng, sửa chữa nhà, không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở…
Đại diện Tổ dân phố số 1, phường Phú Diễn lại cho rằng Sông Nhuệ qua khu vực này hiện chỉ còn là mương nước chứ không phải là sông đúng nghĩa, do đó việc cắm mốc chỉ giới vào sâu nhà dân là không cần thiết vì nó ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống của họ. Tương tự, ý kiến của các tổ dân phố khác cũng cho rằng việc cắm mốc trên toàn địa bàn thành phố phải thống nhất, nhưng đoạn qua địa bàn quận Hà Đông thì chỉ giới hành lang bảo vệ tính từ mép nước vào là 10m, trong khi đó không hiểu tại sao trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm hành lang tính từ tim sông lại là 50m.
Bà Hoàng Thị Mùi, Tổ trưởng Tổ dân phố 9, phường Phú Diễn cho biết: "Từ khi có quyết định của thành phố về việc cắm mốc giới Sông Nhuệ, bà con lo lắng, thấp thỏm không yên. Nhà, đất của hầu hết các hộ ở đây đều được các cơ quan, đơn vị giao, sinh sống ổn định đã 30, 40 năm. Nay nếu nằm vào quy hoạch thì các hộ không được xây dựng mới, trong khi đó nhà nào cũng có 3 đến 4 thế hệ, có nhà chỉ vài chục mét vuông nhưng có đến cả chục người sinh sống. Nếu không được xây dựng nhà thì cuộc sống rất bí bách, chưa kể nếu nằm vào quy hoạch thì liệu các hộ dân có phải di dời không, di dời đến đâu, chính sách tái định cư ra sao? Chưa kể, từ ngày có quyết định về việc cắm mốc giới, cán bộ địa chính phường đã không xác nhận thông tin nhà, đất để người dân được chuyển hộ khẩu về chính ngôi nhà họ đang sống. Điều này ảnh hưởng đến quyền lựa chọn trường học cho các cháu nhỏ, quyền khám bệnh của người dân"…
Trước những thắc mắc của nhân dân, ngày 31-12-2014, UBND quận Bắc Từ Liêm đã có văn bản báo cáo UBND thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, những vấn đề cần làm rõ là cơ sở khoa học, thực tiễn và pháp lý để xác định chỉ giới HLBVCTTL Sông Nhuệ; căn cứ nào để xác định đoạn hình thành đê trên địa bàn phường Đức Thắng, cơ sở nào chứng minh đường Hoàng Công Chất và đường K1B trên địa bàn phường Phú Diễn là đê? Căn cứ nào để xác định một số vị trí là bể lắng bùn, cát? Tại sao trước đây chỉ giới hành lang sông chỉ là 48m, nay lại là 50m? Tương tự, người dân ở phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) cũng cho rằng bản đồ quy hoạch mốc giới không đúng so với văn bản pháp lý, có chỗ từ tim sông đến mốc giới là 80m chứ không phải 50m như Quyết định 5168/QĐ-UBND. Hơn nữa, bộ phận đo đạc tại đoạn Đường K2 chỉ đo dọc đường K2 chứ không vào nhà dân nên việc đo đạc sẽ không chính xác, dẫn tới việc lập bản đồ quy hoạch mốc giới không đúng thực tế…
Giải đáp chưa trọn
Khu vực dọc bờ Sông Nhuệ hiện có mật độ các hộ dân sinh sống dày đặc, do đó, nhiều mốc giới trên bản vẽ khi tiến hành cắm trên thực tế đã rơi vào ngay giữa nhà dân, khiến họ phản ứng một cách quyết liệt. Về việc này, ông Nguyễn Văn Công, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bắc Từ Liêm cho biết: Thực tế này đã được UBND quận báo cáo cơ quan chức năng và đã được cơ quan có thẩm quyền đồng ý, dịch chuyển vị trí mốc giới để phù hợp với công trình của các hộ dân. Tính đến thời điểm này, toàn quận Bắc Từ Liêm đã cắm được 97/151 mốc, trong đó phường Đức Thắng còn 1/10 mốc, phường Phú Diễn còn 53/53 mốc chưa được cắm. Còn với phường Cầu Diễn (Nam Từ Liêm) mới cắm được 7 mốc ở những vị trí xác định chỉ giới tính từ tim sông, còn 28 mốc lấy đường K2 làm đê để tính mốc giới chưa cắm được do người dân không đồng tình. Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Từ Liêm (cũ) vẫn xác định hành lang Sông Nhuệ từ tim sông ra phía bờ đủ 48m mới xây công trình nên nếu hành lang sông trong phạm vi 48 - 50m sẽ không ảnh hưởng nhiều đến công trình của người dân. Tuy nhiên, nếu lấy đường K2, đường Hoàng Công Chất… làm bờ đê thì phần lớn các hộ dân ở khu vực này đều nằm trọn trong hành lang bảo vệ sông. Do giữa thửa đất nằm trong và ngoài hành lang bảo vệ Sông Nhuệ giá trị khác nhau "một trời, một vực" nên những lo lắng của người dân cần được quan tâm, giải đáp thấu đáo…
Mặc dù công tác vận động, tuyên truyền được các địa phương liên quan đến việc cắm mốc đã thực hiện nghiêm túc, song nếu những thắc mắc của các hộ dân không được giải đáp cặn kẽ sẽ khó có thể thực hiện được. Trước áp lực đó, ngày 16-1-2015, Sở Tài nguyên và Môi trường đã họp với các sở, ngành liên quan cùng đại diện UBND quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và thống nhất từng nội dung thắc mắc được giao cụ thể cho 5 đơn vị có trách nhiệm trả lời trước ngày 9-2-2015.
Tuy nhiên, chỉ Công ty TNHH Nhà nước MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ có văn bản trả lời đúng hẹn, còn lại 4 đơn vị chưa có văn bản trả lời. Do vậy, ngày 15-5-2015, Sở Tài nguyên và Môi trường lại tiếp tục có văn bản đôn đốc các đơn vị này. Gần đây nhất, ngày 16-6-2015, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản 3329/STNMT-ĐĐ&BĐ trả lời 7 thắc mắc của UBND quận Bắc Từ Liêm. Tuy nhiên, một số nội dung trả lời chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Ví dụ khi người dân thắc mắc vì sao trước kia chỉ giới hành lang bảo vệ sông tính từ tim sông ra là 48m, nay lại thay đổi là 50m; Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ trả lời là do "yêu cầu của công tác quản lý cho phù hợp với tình hình hiện trạng". Hay như với ý kiến "làm rõ cơ sở chứng minh đường Hoàng Công Chất và đường K1B Phú Diễn trên địa bàn phường Phú Diễn là đê" thì Chi cục Thủy lợi không đưa ra căn cứ để chứng minh mà chỉ nêu các vị trí hình thành bờ đê ở hai con đường này…
Thiết nghĩ, chủ trương phân định rõ mốc giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi Sông Nhuệ là cần thiết, mang lại hiệu quả quản lý trên mọi mặt nhưng liên quan trực tiếp đến quyền lợi của hàng nghìn hộ dân. Do vậy, các cơ quan hữu quan cần xem xét, đưa ra những căn cứ khoa học xác đáng, có tính pháp lý, phù hợp thực tế sử dụng đất hiện nay để người dân hiểu, yên tâm và nghiêm túc chấp hành một chủ trương đúng.