Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Bao giờ mới hấp dẫn?
Xã hội - Ngày đăng : 07:01, 12/07/2015
Vẫn gặp phiền hà khi tham gia BHYT là lý do khiến người dân chưa mặn mà với thẻ BHYT...
Chính sách BHYT hiện nay chưa thực sự cuốn hút được người dân tham gia. Ảnh: Tuấn Vũ |
Chất lượng khám chữa bệnh BHYT chưa cao
Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến 31-5, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia BHYT (tăng 2,7 triệu người, tương đương 4,4%, so với cùng kỳ năm 2014), đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa các địa phương. Đặc biệt, 8 tỉnh gồm An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long mới chỉ đạt độ bao phủ BHYT trên 55% dân số.
Lo ngại trước mục tiêu 75% dân số tham gia BHYT trong năm 2015 sẽ gặp khó khăn, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng, ở những nơi chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức thì tỷ lệ người dân tham gia BHYT rất thấp. Việc tuân thủ pháp luật trong tham gia BHYT của nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa cao.
Con số thống kê còn cho thấy có tới trên 40% doanh nghiệp có biểu hiện trốn đóng, nợ đóng BHYT cho người lao động với tổng số tiền nợ lên tới hơn 3.100 tỷ đồng. Còn người dân thì thiếu thông tin về BHYT, chưa thấy hết lợi ích, tầm quan trọng và trách nhiệm tham gia BHYT. Thêm vào đó, thủ tục, quy trình đăng ký, lập danh sách tham gia BHYT còn phiền hà.
Thời gian đầu, một số đại lý còn yêu cầu hộ gia đình phải xuất trình bản sao giấy tạm vắng, quyết định ly hôn… khi đăng ký tham gia BHYT. Trong khi đó, chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) BHYT lại chưa hấp dẫn, khả năng đáp ứng dịch vụ y tế còn hạn chế, nhất là tuyến y tế cơ sở. Người dân vẫn chưa hài lòng về thủ tục hành chính trong KCB, chuyển tuyến KCB, thanh toán BHYT...
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, do cơ chế tài chính chậm đổi mới, giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ (mới tính 3/7 yếu tố) làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và người dân phải chi tiền túi trong quá trình KCB còn cao. Mặt khác, thanh toán chi phí KCB BHYT tại các địa phương còn nhiều vướng mắc. Vẫn còn tình trạng chậm thanh quyết toán năm, nợ đọng kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở KCB, nhất là các cơ sở có vượt trần, vượt quỹ...
"Tại một số địa phương, người dân, kể cả cán bộ xã, phường chưa nắm rõ quy định mới của Luật BHYT sửa đổi, như: Thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình, mua thẻ BHYT ở đâu, có bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình không, mức đóng BHYT cụ thể của hộ là bao nhiêu, giảm mức đóng thế nào..." - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Mở rộng diện bao phủ để bảo đảm an sinh xã hội
Nói về vai trò của BHYT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, không có một hệ thống BHYT toàn dân thì khó đảm bảo an sinh xã hội. Để đạt được mục tiêu phát triển BHYT toàn dân, Phó Thủ tướng lưu ý, không chỉ mở rộng các kênh bán BHYT mà hệ thống KCB cũng phải phát triển tương ứng để đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân theo hướng các cơ sở y tế (không phân biệt công lập hay ngoài công lập) nếu đủ điều kiện đều được BHYT thanh toán khi điều trị cho bệnh nhân có thẻ BHYT. Ngành Y tế phải tích cực rà soát, sửa đổi lại các quy định để cửa khám dịch vụ hay khám BHYT phải thuận lợi như nhau, giá dịch vụ xét nghiệm, chiếu, chụp cũng phải xem xét sao cho hiệu quả, thiết thực.
Để thu hút người dân tham gia BHYT, không có cách nào khác là phải nâng cao chất lượng KCB và chữa bệnh BHYT. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng KCB BHYT, cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán KCB BHYT, quản lý sử dụng quỹ BHYT hiệu quả. Bên cạnh đó, Bộ sẽ triển khai thực hiện các đề án giảm tải, bệnh viện vệ tinh, bác sĩ gia đình... và chương trình đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, nâng cao chất lượng KCB tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại y tế cơ sở.
Nhiều hình thức lạm dụng quỹ BHYT tinh vi Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước đã có gần 60 triệu lượt bệnh nhân KCB BHYT với tổng số tiền được chi trả từ quỹ BHYT là gần 20 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác thanh toán KCB BHYT còn nhiều tồn tại, đặc biệt là tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT chưa được khắc phục triệt để mà còn thay đổi theo chiều hướng tinh vi hơn như: Hợp thức hóa việc chỉ định quá mức dịch vụ kỹ thuật, ghi thêm ngày điều trị, cố tình áp sai tên dịch vụ kỹ thuật để hưởng mức cao hơn, lắp đặt thiết bị y tế theo hình thức liên doanh, liên kết chưa đúng quy định tại một số cơ sở y tế. Trong khi đó, công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế còn nhiều bất cập, gây lãng phí quỹ BHYT, như tình trạng đưa các thuốc có hàm lượng, dạng bào chế ít cạnh tranh vào kế hoạch đấu thầu. |