Không gian cổ vũ sáng tạo mới

Văn hóa - Ngày đăng : 06:19, 12/07/2015

(HNM) - Nhiệm kỳ mới mở ra hy vọng vào một bầu không khí cộng hưởng cho phát triển văn học để dấu ấn của văn chương với đời sống, đặc biệt là với công cuộc xây dựng con người, văn hóa ngày một rõ rệt, mạnh mẽ hơn.



Nhiệm kỳ mới mở ra hy vọng vào một bầu không khí cộng hưởng cho phát triển văn học để dấu ấn của văn chương với đời sống, đặc biệt là với công cuộc xây dựng con người, văn hóa ngày một rõ rệt, mạnh mẽ hơn.

Bạn đọc hôm nay mong đợi nhiều tác phẩm hay với nhiều đột phá mới trong sáng tác. Ảnh: Nguyệt Ánh


Gánh nặng trước những yêu cầu đổi mới

Nếu xét từ mong muốn đội ngũ BCH khóa mới khoảng 15 người có độ tuổi xếp theo hình quả trám, 30% trên 60 tuổi; 40% từ 50 đến 60 tuổi và 30% dưới 50 tuổi thì con số 6 ủy viên BCH khóa mới rõ ràng chỉ đáp ứng được một phần. Trong đó, 50% ủy viên BCH trên 60 tuổi, có hai gương mặt mới, nhưng vừa mới vừa trẻ hơn cả thì chỉ có Nguyễn Bình Phương (sinh năm 1965, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội).

Các nhà văn được hỏi đều bày tỏ, BCH mới đều là những người xứng đáng, kết quả đã phản ánh tinh thần bầu cử dân chủ và sự lựa chọn của Đại hội. Nhà văn Trần Thanh Giao (nguyên Ủy viên BCH Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh từ khóa I đến khóa V) bày tỏ với Hànộimới sự tin tưởng của ông về gương mặt trẻ Nguyễn Bình Phương (cho dù anh đã 50 tuổi): Tôi đã đọc nhiều tác phẩm của Nguyễn Bình Phương và cũng ấn tượng với một câu nói của anh rằng, tầm vóc một tác phẩm văn học nằm ở tư tưởng của tác phẩm ấy. Một nhà văn viết nghiêm túc và có nhận thức sâu sắc về văn chương như vậy, tôi tin là có thể hy vọng được. Còn nhà văn Hiệu Constant (sống và viết tại Pháp) thì cùng với sự tin tưởng vào BCH mới, chị lại băn khoăn chính số lượng ít ỏi các thành viên trong BCH sẽ khiến gánh nặng trên vai các nhà văn trước nhiệm vụ thời gian tới sẽ lớn hơn.

Quả thật, có nhiều nội dung đổi mới trong phương hướng hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX, trong đó, phải kể đến việc khó là thực hiện hàng loạt giải pháp thúc đẩy sáng tác như hoàn thiện quy chế hỗ trợ sáng tạo, quy chế giải thưởng theo hướng có trọng điểm. Văn học thiếu nhi không còn vắng bóng mà sẽ được mở rộng qua việc khôi phục Ban văn học thiếu nhi thuộc BCH nhằm hình thành đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp về đề tài này. Cải tiến mạnh mẽ công tác giải thưởng qua việc thăm dò bạn đọc phát hiện tác phẩm hay... Văn học dịch rồi dịch giả văn học tới đây sẽ được Hội Nhà văn kiến nghị đưa vào đối tượng xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT chứ không chỉ có "dân" sáng tác...

Để làm được chừng ấy việc, tất nhiên không chỉ có BCH, nhưng trước hết, không ai khác ngoài BCH. Bởi sau khi Đại hội kết thúc, các nhà văn sẽ lại trở về với cuộc sống và trang viết thường ngày...

Viết văn không có nhiệm kỳ

1.127 tác phẩm là con số thống kê chưa đầy đủ về các tác phẩm mà hội viên đã sáng tác trong 5 năm qua. Chưa đầy đủ nhưng đã thấy là không nhỏ, mặc dù như chính Đại hội thừa nhận thì "đông nhưng chất lượng chưa tương xứng"...

Không thể phủ nhận rằng văn học đang hiện diện ngày một sôi động trong đời sống, nếu không thì làm sao các nhà phê bình, nhà văn đi dẫn chương trình giới thiệu sách không hết việc. Tiểu thuyết đã đành, bên cạnh đó sách dịch, tản văn, du ký, truyện tranh cũng được tổ chức tưng bừng. Người đến nghe không hề vắng. Thậm chí, buổi ra mắt tác phẩm của một nhà thơ nữ mới về nước diễn ra ngay trước thềm Đại hội này còn tạo nên hiện tượng đông đảo hiếm thấy. 5 năm qua, những gương mặt lão làng của văn học Việt Nam như Ma Văn Kháng, Vũ Quần Phương vẫn có tác phẩm mới. Trong đó, cây bút U80 như Nguyễn Xuân Khánh tiếp tục thu hút độc giả với tiểu thuyết "Đội gạo lên chùa". Có một lớp nhà văn, nhà thơ thế hệ 7X đã và đang viết đều đặn như Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Đình Tú, Bình Nguyên Trang, Nguyễn Xuân Thủy, Đỗ Tiến Thụy... Lớp "đệm" gồm các nhà văn thế hệ 6X cũng tiếp tục hiện diện như Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Y Ban... Khu vực miền núi cũng có những tác giả có chất như Cao Duy Sơn, Tống Ngọc Hân, Đoàn Hữu Nam...

Ngày càng có nhiều hơn các cây bút người Việt từ nước ngoài không chỉ viết mà còn làm cây cầu nối văn học thế giới với Việt Nam và ngược lại, cho dù phần ngược lại chưa được đáng là bao. Như Nguyễn Huy Hoàng (Nga); Nguyễn Phan Quế Mai (Philippines); Hiệu Constant (Pháp)... Tất nhiên, nhà văn không làm việc theo nhiệm kỳ. Nếu nhận tác phẩm này vào thành quả giai đoạn này thì thật ra cũng phải nghĩ đến hồn cốt tác phẩm đó đã ở trong nhà văn từ bao nhiêu nhiệm kỳ trước rồi. Thế nên, khó thay cái gọi là đánh giá thành tựu văn học trong một giai đoạn, nhất là lại một giai đoạn ngắn 5 năm. Hoàng Quốc Hải viết bộ "Bão táp triều Trần" trong suốt 20 năm, xuất bản vắt từ nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác.

Phải chăng, tác phẩm quan trọng đã đành, nhưng bầu không khí cổ vũ cho văn học, cho người viết và một tổ chức Hội hoạt động chuyên nghiệp, cổ vũ nhiều cây bút sáng tạo, đó mới là việc lâu dài, quan trọng nhất. Cũng phải nói về khái niệm nhà văn trẻ, đành rằng rất cần sự có mặt của những gương mặt kế tiếp, để nói như một nhà thơ 8X là khỏi cảm giác đi dự hội nghị Bình Than...; nhưng không có nghĩa chỉ trẻ tuổi là xong. Thiết nghĩ Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh quá trẻ khi viết hàng nghìn trang sách mà thế hệ 7X, 8X vẫn phải say đọc.

Đại hội đã khép lại để mở ra một không gian cổ vũ sáng tạo mới, bằng tài năng của mình, nhà văn đồng hành cùng đất nước. Và trước khi đặt ra yêu cầu tác phẩm đỉnh cao, nói như một cây bút nữ thì "Trong ngăn kéo của mình phải có tác phẩm đã".

Hải Giang