"Bắt tay" với Liên minh kinh tế Á - Âu: Chủ động nắm bắt cơ hội
Kinh tế - Ngày đăng : 07:48, 11/07/2015
Theo các chuyên gia, việc "bắt tay" với EAEU sẽ mở ra cơ hội "vàng" với các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Song, kèm theo đó là không ít thách thức với các doanh nghiệp (DN), bởi sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng nhập khẩu từ EAEU để tồn tại, đứng vững trên "sân nhà".
Ngành dệt may sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi khi FTA Việt Nam - EAEU có hiệu lực.Ảnh: Đàm Duy |
Cắt giảm mạnh thuế nhập khẩu
Tại hội thảo "FTA Việt Nam - EAEU, những tác động tới DN" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công thương và Bộ Tài chính tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế đã chỉ rõ những triển vọng về xuất nhập khẩu hàng hóa sau khi FTA này được ký kết. Bà Đào Thu Hương, Trưởng phòng Hội nhập kinh tế quốc tế, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, khoảng 53% tổng số dòng thuế sẽ giảm về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Tới năm 2018, thêm 1,5% dòng thuế bị xóa bỏ. Các mặt hàng chủ yếu bị cắt giảm thuế là chế phẩm từ thịt, cá, và rau củ quả, phụ tùng máy nông nghiệp, máy chế biến, ngọc trai, đá quý. Năm 2020, thêm 22,1% dòng thuế bị xóa bỏ. Tới năm 2026, thêm 10% dòng thuế bị xóa bỏ chủ yếu là với các mặt hàng rượu bia, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, ô tô nguyên chiếc (xe tải, xe buýt, ô tô con, ô tô trên 10 chỗ). Đối với mặt hàng sắt thép, Việt Nam cam kết xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu nguyên liệu thô, ống thép không hàn, thép cuộn cán nóng, thép đặc biệt và thép hợp kim chế tạo cơ khí.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, với hiệp định này, EAEU cam kết mở cửa đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đơn cử, với mặt hàng dệt may, 82% dòng thuế được cam kết cắt, giảm. Với các sản phẩm giày dép, túi xách, 77% dòng thuế cam kết cắt, giảm, trong đó 73% là xóa bỏ hoàn toàn với lộ trình tối đa 5 năm và chiếm 99% tổng kim ngạch xuất khẩu. 95% mặt hàng thủy sản sẽ đối diện với việc mở cửa hoàn toàn trong lộ trình tối đa là 10 năm. Ngành đồ gỗ có 76% số mặt hàng được cắt giảm thuế, ngành nhựa có tới 100% mặt hàng cắt, giảm thuế… Đây là những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam và có bề dày kinh nghiệm xuất khẩu. Với những ưu đãi đó, có thể coi đây là cơ hội "vàng" để đẩy mạnh xuất khẩu và chiếm lĩnh thị trường EAEU.
Liên quan tới việc ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt nhằm thực hiện FTA Việt Nam - EAEU giai đoạn 2016-2018, đại diện Bộ Tài chính cho biết, dự kiến Thông tư sẽ được ban hành giữa tháng 11-2015 và có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2016. Với hàng loạt thay đổi về chính sách thuế nhập khẩu trong thời gian tới, cộng đồng DN cần chủ động nắm bắt đầy đủ cam kết về lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD), từ đó xây dựng chiến lược SXKD phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn.
Biến thách thức thành cơ hội
Xét về tổng thể, khi FTA Việt Nam - EAEU có hiệu lực, Việt Nam không chỉ được hưởng lợi từ xuất khẩu mà nhập khẩu cũng sẽ có những thuận lợi bởi cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EAEU hầu như không cạnh tranh trực tiếp mà mang tính tương hỗ, bổ sung cho nhau. Trên thực tế, Việt Nam đang nhập khẩu từ các nước EAEU các mặt hàng xăng dầu, phân bón, sắt thép, máy móc, quặng, cao su, gỗ giấy, phương tiện vận tải, nông sản, thực phẩm ôn đới qua chế biến… Đây cũng chính là những mặt hàng thế mạnh của các nước EAEU. FTA này sẽ giúp Việt Nam thu hút đầu tư từ EAEU trên mọi lĩnh vực, cả về vốn và công nghệ. Mặt khác, FTA này cũng sẽ là cơ hội để DN Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ và tái cơ cấu DN.
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO của VCCI cho rằng, với lợi thế là quốc gia đầu tiên tham gia ký kết FTA với EAEU, DN Việt Nam có rất nhiều mảng thị trường để khai thác. Cơ hội này sẽ đến với cả những ngành hàng có lợi thế xuất khẩu lâu nay cũng như những ngành hàng đang đầu tư phát triển. Vấn đề chính là sự chủ động nắm bắt và biến cơ hội thành thành công của DN. Để có thể tận dụng hiệu quả cơ hội này, trước hết, các DN phải xác định rõ về lợi thế của mình và định vị được ngành hàng, sau đó tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh để có bước đi vững chắc vào thị trường EAEU.
Song, trên thực tế, bên cạnh cơ hội là không ít thách thức với các DN nước nhà bởi năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế, quy mô của khu vực DN tư nhân nhỏ. Để biến thách thức thành cơ hội, mỗi DN cần nhanh chóng nắm bắt đầy đủ về lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu liên quan đến lĩnh vực SXKD của mình và chủ động xây dựng chiến lược SXKD phù hợp trong ngắn hạn, dài hạn gắn với các lộ trình giảm thuế. Điều này sẽ giúp các DN chủ động hơn khi tham gia giao thương với thị trường EAEU.