20 năm ròng rã đòi quyền lợi!

Đời sống - Ngày đăng : 07:09, 11/07/2015

(HNM) - Trong đơn gửi Báo Hànộimới, bà Nguyễn Thị Dung, nguyên cán bộ y tế cơ sở (YTCS) xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) cho biết, năm 1995, đang công tác tại Trạm Y tế xã, bà và hai cán bộ YTCS của xã (đều có 20 năm công tác trở lên) bất ngờ nhận được quyết định nghỉ việc, hưởng chế độ một lần.

Nhận thấy QĐ nghỉ việc chưa thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với người lao động, bà cùng cán bộ YTCS xã Yên Sở làm đơn khiếu nại gửi chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng…

Nhiều cán bộ YTCS vẫn tiếp tục làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị trả lại quyền lợi chính đáng.


Nỗi niềm người trong cuộc

"20 năm qua, ngôi nhà nhỏ này đã đón tiếp không ít đoàn cán bộ từ thanh tra tỉnh, cán bộ các sở, ngành của tỉnh Hà Tây (trước đây) và huyện Hoài Đức… về điều tra, xác minh theo nội dung đơn đề nghị của tôi. Song, cũng bấy nhiêu năm, những kiến nghị của tôi và cán bộ YTCS xã Yên Sở vẫn chưa được giải quyết đúng và đủ. Tuổi đã cao, lại không có lương hưu, phải sống dựa vào con cháu đã khiến cuộc sống của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn" - bà Nguyễn Thị Dung nghẹn ngào khi trò chuyện với chúng tôi. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 1995 nhiều cán bộ YTCS đang công tác ổn định tại Trạm Y tế xã Yên Sở nói riêng và trên địa bàn tỉnh Hà Tây nói chung, không mắc sai phạm nhưng bị cho nghỉ việc, nhận chế độ một lần. Trong số 423 cán bộ YTCS nghỉ việc năm 1995, nhiều người có thâm niên công tác 20 năm trở lên, cá biệt có trường hợp công tác trên 40 năm nhưng cũng chỉ nhận chế độ một lần.

Bà Dung cho biết, theo Điều 2, QĐ số 123/HĐBT ngày 19-8-1987 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc sửa đổi chế độ chính sách đối với cán bộ y tế xã, phường, thị trấn quy định rất rõ: Cán bộ y tế xã có bằng cấp được đào tạo chuyên môn theo chương trình thống nhất của Nhà nước (NN) sẽ được hưởng sinh hoạt phí theo bảng lương của cán bộ y tế NN có cùng trình độ chuyên môn và thâm niên công tác, được hưởng chế độ phụ cấp khu vực, phụ cấp đắt đỏ…; các chế độ bảo hiểm như nghỉ hưu, mất sức… như đối với cán bộ y tế NN. Như vậy khi nghỉ, đúng ra những cán bộ YTCS đủ năm công tác phải được hưởng chế độ hưu, mất sức như cán bộ y tế NN. Nhưng thực tế hầu hết số cán bộ YTCS về năm 1995 chỉ được nhận chế độ một lần. Không những thế, việc tính sinh hoạt phí cho cán bộ YTCS khi nghỉ cũng không đúng quy định hiện hành, gây thiệt thòi cho người nghỉ. Có người hơn 30 năm công tác khi về chỉ được nhận hơn 2 triệu đồng hỗ trợ…

Đáng lưu ý là, sau khi nghỉ, nhiều cán bộ được mời lại làm hợp đồng tại các Trạm y tế xã, phường, thị trấn. Ví dụ, bà Dung sau khi nghỉ việc theo quyết định của UBND huyện Hoài Đức được mời làm thêm 12 năm hợp đồng tại Trạm Y tế xã Yên Sở. Qua đây có thể thấy không phải là cán bộ YTCS không đủ điều kiện, tiêu chuẩn tiếp tục công tác (?)…

Đã thấu tình đạt lý?

Năm 2004, UBND tỉnh Hà Tây đã giao cho Thanh tra tỉnh chủ trì cùng các ngành: Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở LĐ-TB&XH… xem xét, giải quyết khiếu nại của cán bộ YTCS. Ngày 22-9-2004, Thanh tra tỉnh Hà Tây (trước đây) có báo cáo số 89-BC/TTr nêu rõ, tại thời điểm QĐ số 123/HĐBT về việc sửa đổi chế độ, chính sách đối với cán bộ y tế xã, phường, thị trấn có hiệu lực, tỉnh Hà Tây đã thực hiện việc xếp chuyển sinh hoạt phí cho cán bộ YTCS theo đúng thang bậc lương Nghị định số 235/HĐBT, hằng năm được xét nâng mức sinh hoạt phí như cán bộ, công nhân viên chức được xét nâng bậc lương. Theo Khoản 2, Điều 3, QĐ số 58/TTg quy định một số vấn đề về tổ chức và chế độ chính sách đối với YTCS: "Cán bộ YTCS quy định tại Điểm a, b, Khoản 1, Điều 2, QĐ 58/TTg mà không nằm trong biên chế NN thì được hưởng mọi quyền lợi và theo hệ số ngạch bậc lương của cán bộ, nhân viên y tế trong biên chế NN có cùng trình độ như đã quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 25-5-1993 của Chính phủ". Theo quy định, cán bộ YTCS phải được chuyển đổi sinh hoạt phí đang hưởng theo bảng lương của Nghị định số 235/HĐBT sang hệ số lương của Nghị định số 25/CP như cán bộ y tế NN có cùng trình độ đào tạo. Nhưng thực tế từ khi Nghị định số 25 có hiệu lực (từ 1-4-1993) đến khi nghỉ công tác (năm 1995), 423 cán bộ YTCS khi nghỉ việc lại chỉ được hưởng mức sinh hoạt phí theo thang bậc của Nghị định số 235, trong khi đó cán bộ y tế NN đã được hưởng lương theo Nghị định số 25 từ 1-4-1993? Thanh tra tỉnh Hà Tây cũng khẳng định, việc không chuyển đổi trả lương cho cán bộ YTCS theo QĐ số 25/CP là không đúng với Khoản 2, Điều 3, QĐ số 58/TTg và không đúng với Điều 1, QĐ 131/TTg. Chính vì vậy từ khi về nghỉ, các cán bộ YTCS liên tục có đơn khiếu nại.

Về chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), Báo cáo kết quả số 89 của Thanh tra tỉnh Hà Tây đã nêu rõ: "Từ khi có QĐ số 123/HĐBT ngày 19-8-1987 đến khi có QĐ số 58/TTg ngày 3-2-1994 của Thủ tướng Chính phủ thì cán bộ YTCS được hưởng chế độ BHXH như nghỉ hưu mất sức, thôi việc, phụ cấp khi ốm đau, sinh đẻ… như đối với cán bộ y tế NN; cán bộ YTCS không phải trực tiếp đóng BHXH mà vẫn được hưởng chế độ BHXH". Thế nhưng lạ một điều, khi giải quyết theo QĐ 58, chỉ có một số huyện, gồm Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức vận dụng QĐ số 111/HĐBT ngày 19-10-1981 về chế độ hưu cán bộ xã cho 19 người; 423 cán bộ còn lại phải nghỉ việc, hưởng chế độ một lần.

Cơ quan Thanh tra tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh Hà Tây tính trả mức sinh hoạt phí cho cán bộ YTCS theo Nghị định số 25/NĐ-CP (từ 1-4-1993 đến khi nghỉ việc tháng 12-1994); đồng thời vận dụng giải quyết cho cán bộ y tế đủ điều kiện được hưởng chế độ BHXH (nghỉ hưu). Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc giải quyết cho cán bộ YTCS đủ điều kiện được hưởng chế độ BHXH (nghỉ hưu) không được các cơ quan hữu quan thực hiện, trừ việc tính trả mức sinh hoạt phí cho cán bộ YTCS. Được biết, UBND tỉnh Hà Tây đã 3 lần quyết định trích ngân sách tỉnh bổ sung hỗ trợ cho cán bộ YTCS, song do cách tính không đúng cơ chế, chính sách hiện hành nên nhiều cán bộ YTCS không đồng tình. Đến nay, vẫn còn nhiều cán bộ YTCS chưa nhận tiền hỗ trợ, trong đó có bà Nguyễn Thị Dung, bà Nguyễn Thị Mậu và ông Trần Hữu Thức, xã Yên Sở.

Bài, ảnh: Đỗ Hà