Hội nghị Thượng đỉnh BRICS: Khó khăn cản trở kỳ vọng

Thế giới - Ngày đăng : 06:37, 11/07/2015

(HNM) - Với một loạt động thái thúc đẩy hợp tác trong thời gian qua, BRICS đang khẳng định tham vọng trở thành một đối trọng trong thế giới đa cực.

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS diễn ra tại thành phố Ufa (Nga) với những mục tiêu đầy tham vọng.


Ngoài các vấn đề thời sự "nóng" được đưa ra thảo luận như: Cuộc khủng hoảng Ukraine, nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ, cuộc xung đột ở Syria và mối đe dọa của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, thì việc Ngân hàng Phát triển BRICS được công bố chính thức đi vào hoạt động là sự kiện thu hút sự chú ý lớn của dư luận quốc tế. Ngân hàng có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc) này sẽ đi vào hoạt động từ ngày 30-7 với số vốn ban đầu là 50 tỷ USD và sẽ tăng lên khoảng 100 tỷ USD trong vài năm tới. Ngoài ra, các nước thành viên của nhóm còn lập một quỹ dự trữ ngoại tệ chung trị giá 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc đóng góp 41 tỷ USD; Nga, Ấn Độ và Brazil mỗi nước đóng góp 18 tỷ USD, trong khi Nam Phi đóng góp 5 tỷ USD. Có thể nói đây là "sân chơi riêng" của BRICS và là nhân tố quan trọng giúp các nước thành viên nâng cao khả năng chống đỡ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Không dừng lại ở đó, BRICS hy vọng hai định chế tài chính này sẽ là sự lựa chọn thay thế cho Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) do các nước phương Tây chi phối, nhằm mục tiêu hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển.

Không thể phủ nhận những đóng góp đầy ấn tượng của BRICS đối với nền kinh tế thế giới trong thập kỷ qua. Theo số liệu của IMF, đóng góp của BRICS vào nền kinh tế thế giới đã tăng lên 50% trong 10 năm qua. Ngoài ra, BRICS hiện chiếm 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, chiếm 15% tổng kim ngạch thương mại thế giới. Các nước BRICS đã tăng trưởng mạnh về thương mại đa phương năm 2014 khi đạt tới 291 tỷ USD. Tuy nhiên, tham vọng của BRICS là nhằm xây dựng một vị thế "đáng gờm" trong trật tự đa cực mới vào thời điểm thế giới đang gặp rất nhiều thách thức.

Thứ nhất, đây là liên kết giữa các quốc gia thuộc các châu lục khác nhau, hầu như không có sự gần gũi về địa lý và mô hình phát triển. Thứ hai, trong một chỉnh thể có vẻ như thống nhất, từng quốc gia thành viên, trước hết là Trung Quốc và Ấn Độ đều có mong muốn mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, cạnh tranh thu hút đầu tư, công nghệ của phương Tây và giành giật thị trường tiêu thụ hàng hóa của nhau. Xu thế này lại diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) có sự đoàn kết trong việc thực hiện chính sách cô lập Nga bằng việc sử dụng các hình thức trừng phạt, với cái cớ là cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine.

Một vấn đề đáng lưu tâm nữa là, trong vòng hai năm gần đây, nền kinh tế của các thành viên trong BRICS phải vật lộn với không ít vấn đề phức tạp. Nga đang đối mặt với năm thứ ba suy thoái liên tiếp do sự sụt giảm mạnh của giá dầu thế giới và ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Kinh tế Brazil cũng đã gần chạm đáy tăng trưởng khi GDP ngấp nghé ở mức 0%. Nam Phi cũng không khá khẩm hơn khi để Nigeria "vượt mặt" trở thành nền kinh tế lớn nhất Châu Phi do sự bùng nổ của bong bóng hàng hóa và nguy cơ thoái vốn ra khỏi thị trường. Trung Quốc - nền kinh tế được đánh giá là năng động nhất BRICS - đang phải đau đầu để ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn trên thị trường chứng khoán. Nền kinh tế ổn định nhất trong nhóm chỉ còn Ấn Độ.

Vì thế, những tác nhân nội tại lại chính là nguyên nhân lớn thách thức kỳ vọng tạo sức mạnh và duy trì ảnh hưởng lâu dài của BRICS trên trường quốc tế. Do đó, một chương trình cải cách toàn diện nhằm phục hồi kinh tế nội địa trước khi nhắm đến những mục tiêu to tát hơn là một khuyến nghị mà nhiều chuyên gia kinh tế dành cho BRICS trong hành trình khẳng định vị thế toàn cầu.

Phương Quỳnh