Bài cuối: Làm liều vì... thiếu lái xe!

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:34, 11/07/2015

(HNM) - Không ít doanh nghiệp vận tải tại TP Hồ Chí Minh đã chấp nhận tuyển dụng tài xế sử dụng giấy phép lái xe FC giả do quá khan hiếm lái xe đủ điều kiện được cấp bằng hạng này.

Giấy phép lái xe hạng FC (ảnh) được lực lượng chức năng xác minh là giả.


GPLX giả cũng được nhận!

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh (Hiệp hội) thừa nhận, tại TP Hồ Chí Minh, đang diễn ra tình trạng thiếu trầm trọng lái xe có giấy phép hạng FC. Đề cập đến nguyên nhân, ông Dinh cho hay, trước hết, nhiều DNVT chuyển đổi phương tiện từ xe tải thùng (các loại xe có trọng tải từ 11 tấn đến 18 tấn, sử dụng lái xe có giấy phép hạng C) sang xe đầu kéo sơ mi rơ moóc (sử dụng lái xe có giấy phép hạng FC) để chở container nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Số lượng xe tải chuyển đổi rất lớn nên dẫn đến tình trạng thừa lái xe có giấy phép hạng C nhưng thiếu lái xe có giấy phép hạng FC. Nhiều lái xe có GPLX hạng FC cũng đã trở về địa phương làm việc hoặc hết tuổi lao động, hay chuyển đổi nghề nghiệp. Thêm nữa, nhiều doanh nghiệp (DN) đã đầu tư thêm xe đầu kéo để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh nên tình trạng thiếu lái xe có giấy phép hạng FC ngày càng trầm trọng.

Ông Thái Văn Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội thì cho rằng, thời gian qua một số đối tượng đã lợi dụng tình trạng này để tổ chức sản xuất, mua bán sử dụng GPLX giả. Nhiều DN do thiếu hiểu biết, không cập nhật được thông tin, không tiến hành xác minh GPLX khi tuyển dụng nên đã tiếp nhận và giao xe đầu kéo cho các tài xế này điều khiển. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe đầu kéo sơ mi rơ moóc thời gian qua.

Hiệp hội hiện có trên 200 DNVT, với hơn 6.000 đầu kéo sơ mi rơ moóc và không ít DN phải chấp nhận tuyển lái xe dùng GPLX giả dù biết vi phạm quy định. Ông Lâm Vinh Danh, đại diện một DNVT hàng hóa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho biết, việc quy định đào tạo 3 năm để có bằng FC là quá dài, khiến DN không thể tìm đủ tài xế để chạy hàng. Chưa kể, tài xế phải hội tụ các yếu tố như đủ 24 tuổi, chạy trên 50.000km an toàn… Các tài xế này lại đòi hỏi mức lương cao mới ký hợp đồng, nếu không họ sẽ tìm tới DNVT khác. "DNVT của tôi hiện có 50 xe đầu kéo sơ mi rơ moóc nhưng mới chỉ có 40 lái xe có bằng FC. Số còn lại vừa chấp nhận chạy tăng ca hơn 10 giờ/ngày, vừa phải dùng bằng giả để chạy", ông Danh thừa nhận.

Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải, giao nhận và thương mại Quang Châu cho biết, hiện DN có 300 xe tải các loại, trong đó có 140 xe đầu kéo nhưng đang rất thiếu tài xế có GPLX hạng FC. Hiện DN phải thuê mướn tài xế bên ngoài chạy theo giờ, hay tăng giờ làm việc và đang ráo riết tuyển tài xế có GPLX hạng FC. Thế nhưng, việc tuyển dụng các tài xế này không hề dễ dàng. Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, tài xế lái xe đầu kéo phải làm việc trong môi trường cực kỳ khắc nghiệt, chạy xe cả ngày lẫn đêm nên không bảo đảm sức khỏe dẫn đến tình trạng ngủ gật hay phải sử dụng chất kích thích để đủ tỉnh táo điều khiển phương tiện.

"Nới lỏng" chuyện cấp GPLX

Trước tình trạng thiếu trầm trọng lái xe có GPLX hạng FC, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Bộ GTVT thay đổi một số điều kiện chuyển đổi GPLX từ hạng C, D, E sang hạng FC. Cụ thể, đối với người đủ 24 tuổi, đã được cấp GPLX hạng C, D, E và có tối thiểu 1 năm kinh nghiệm được quyền đăng ký để học và sát hạch để nâng hạng lên FC. Đối với người chưa đủ 24 tuổi được cấp GPLX hạng tương đương và khi đủ 24 tuổi được đổi GPLX qua hạng FC theo đúng quy định tại Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008: "Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC)".

Còn theo ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, các DNVT cần chủ động lên danh sách và phối hợp chặt chẽ với các trung tâm đào tạo, sát hạch uy tín trên địa bàn TP Hồ Chí Minh để đào tạo lái xe bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, cần tăng số giờ thực hành và giảm giờ học lý thuyết để nâng cao năng lực lái xe và xử lý tình huống trên đường. Điều quan trọng là các DNVT cần kiên quyết không tiếp nhận và tiếp tay cho tài xế sử dụng GPLX giả. "Đề nghị cơ quan liên quan cần công khai toàn bộ số hiệu bằng FC trên mạng, từ đó sẽ kiểm soát chặt chẽ tình trạng sử dụng bằng giả. Đồng thời, tăng cường các máy soi chiếu hiện đại để phân biệt bằng thật hay giả khi tiến hành kiểm tra", ông Chung nêu rõ.

Còn ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải, giao nhận và thương mại Quang Châu thì đề nghị các DNVT thống kê cụ thể số lượng xe đầu kéo và tài xế hạng FC, báo cáo các cơ quan quản lý để nắm rõ con số thực tế và đưa ra giải pháp cho vấn đề này.

Siết chặt sát hạch, cấp GPLX hạng FC

Theo ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra giao thông (TTGT - Sở GTVT TP Hồ Chí Minh), từ đầu năm 2015 đến nay, lực lượng TTGT thành phố đã kiểm tra và phát hiện 2 trường hợp sử dụng GPLX hạng FC giả. Lực lượng TTGT đã xử phạt lái xe 5 triệu đồng và tịch thu GPLX. Còn theo Phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX (Sở GTVT), đầu năm 2015 đến nay đã phát hiện gần 110 GPLX hạng FC giả trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh, thông tin từ Bộ GTVT cho biết, đang tích cực đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT. Theo đó, người đủ 24 tuổi đã được cấp GPLX hạng C, D, E, có tối thiểu 1 năm kinh nghiệm và số ki lô mét lái xe an toàn tương ứng, hợp lý được đăng ký học và sát hạch nâng lên hạng FC. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, thời gian đào tạo để chuyển đổi (thời gian thực hành thực tế) sẽ tăng lên. Học viên chưa đủ độ tuổi theo quy định để chuyển đổi sang hạng FC vẫn có thể được học lái xe hạng FC; khi đủ tuổi và các điều kiện theo quy định, học viên được đăng ký sát hạch nâng lên hạng FC.

Ngoài ra, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng công tác sát hạch, cấp GPLX, quy định rõ trách nhiệm của các trung tâm sát hạch, cấp GPLX, trách nhiệm của sát hạch viên trong công tác sát hạch và cấp GPLX khi có TNGT xảy ra liên quan đến lái xe đã được sát hạch. Đồng thời, rà soát, bổ sung cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đối với hạng FC; tăng cường quy định trách nhiệm của DNVT có phương tiện yêu cầu người lái phải có GPLX hạng FC; hướng dẫn các cơ quan chức năng, doanh nghiệp kiểm tra tính pháp lý bằng lái xe hạng FC của các lái xe để phát hiện, ngăn ngừa lái xe sử dụng GPLX giả.

Gia Bảo