Khoảnh khắc ấn tượng và những điều đặc biệt

Đối ngoại - Ngày đăng : 06:20, 11/07/2015

(HNM) - Trong số rất nhiều hình ảnh mà các hãng thông tấn, báo chí trong và ngoài nước đăng tải về chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có lẽ bức ảnh Tổng Bí thư cùng Thượng nghị sĩ John McCain đứng trước những ảnh lưu niệm và kỷ vật của vị chính khách nổi tiếng này được xem là ấn tượng hơn cả.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John Mc.Cain giới thiệu với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một số hình ảnh tư liệu.


Bức ảnh được chụp ngày 8-7, khi ngài Thượng nghị sĩ mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan phòng làm việc của ông trước khi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa hai bên tại phòng họp của Ủy ban Quân lực Thượng viện tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ. Trong ảnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang tươi cười ngắm các bức ảnh và kỷ vật gia đình của Thượng nghị sĩ McCain, trong khi Thượng nghị sĩ lại hướng ánh mắt và nụ cười rạng rỡ về phía nhà lãnh đạo Việt Nam. Dễ nhận ra trong số những kỷ vật của ngài Thượng nghị sĩ, nổi bật là bức ảnh chụp ngày 26-10-1967, lúc viên thiếu tá không quân hải quân Hoa Kỳ John McCain đương lóp ngóp dưới hồ Trúc Bạch (Hà Nội) và được dân quân Việt Nam cứu lên bờ, sau khi chiếc máy bay A4E của ông bị hệ thống phòng không của quân đội Việt Nam bắn rơi trên bầu trời Hà Nội.

Bức ảnh chụp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thượng nghị sĩ McCain thể hiện sự thoải mái, cởi mở và lạc quan của cả hai bên trước những kỷ vật về quá khứ một thời đau thương của cả hai dân tộc.

Chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một chuyến thăm đặc biệt, bởi đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của chính quyền Obama. Vốn là hai quốc gia có thể chế chính trị khác nhau, thế nên việc Tổng thống Mỹ Obama chính thức mời nhà lãnh đạo đảng cầm quyền của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa sang thăm Hoa Kỳ là một trường hợp ngoại lệ đặc biệt, vượt qua những nghi thức ngoại giao của một đất nước có một thể chế chính trị khác hẳn. Chuyến đi khẳng định quan hệ giữa hai bên đã phát triển lên một tầm cao mới, đồng thời thể hiện thái độ tôn trọng của giới lãnh đạo nước Mỹ đối với thể chế chính trị - xã hội của Việt Nam. Thêm nữa, chuyến thăm diễn ra đúng dịp kỷ niệm tròn 20 năm Việt Nam - Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao, nói một cách đơn giản hơn là bình thường hóa quan hệ (1995), sau 20 năm cấm vận kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh được coi là một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất của nhân loại trong thế kỷ XX và cũng kéo dài đúng 20 năm (1955-1975). Vì vậy, đây là một dấu mốc đặc biệt, mở ra một thời kỳ quan hệ mới và quan trọng trong lịch sử hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ.

20 năm chiến tranh đã để lại nhiều vết thương lớn, những di chứng nặng nề không chỉ trong lòng dân tộc Việt Nam mà còn đối với cả nước Mỹ. Những cũng phải mất 20 năm để khép lại một chương sử bi thương của hai đất nước, hai dân tộc và lịch sử đã ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của cả hai phía trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh cũng như xích lại gần nhau. Những cố gắng, nỗ lực đó đã kéo gần hơn những khoảng cách vô hình, xóa dần đi những "rào cản", làm tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau và mang lại những bước phát triển ngoạn mục, sự tiến bộ vượt bậc trong quan hệ giữa hai quốc gia vốn từng là "cựu thù".

Trong số những người "đặt nền móng" và đóng góp quan trọng thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ, về phía Hoa Kỳ nổi bật là các nhà lãnh đạo, chính trị gia như cựu Tổng thống Bill Clinton và Thượng nghị sĩ John Kerry, Thượng nghị sĩ John McCain (2 nhân vật có uy tín và vai trò quan trọng trong Quốc hội Mỹ) và cựu Đại sứ Pete Peterson. Điều trùng hợp là cả 3 người - 2 thượng nghị sĩ và vị đại sứ đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam - đều là cựu binh tham chiến ở Việt Nam. Đây là những nhân vật mà cựu Tổng thống Clinton đã gọi một cách vui vẻ là "những kẻ điên rồ", bởi những điều các ông đã nói, những việc các ông đã làm ở thời điểm cách đây 20 năm, thậm chí còn trước nữa, là rất không bình thường, nếu không muốn nói là cấm kị đối với chính giới Hoa Kỳ và một bộ phận người Mỹ.

Nói riêng về Thượng nghị sĩ McCain, người từng được tạp chí Thời đại bình chọn vào danh sách 25 người có ảnh hưởng lớn nhất nước Mỹ, dường như vị chính khách quyền lực này có cái duyên định mệnh với đất nước Việt Nam. Vốn sinh trưởng trong một gia đình dòng dõi, ông nội và cha đều là Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ nên khi lớn lên ông cũng gia nhập lực lượng hải quân và trở thành một phi công thuộc Hạm đội 7, từng tham chiến ở Việt Nam. Sau nhiều lần xuất kích ném bom, bắn phá các mục tiêu ở miền Bắc, ngày 26-10-1967, trong phi vụ thứ 23 chiếc phi cơ "Chim ưng nhà trời" (Skyhawk) của thiếu tá John McCain bị bắn rơi, khiến ông phải nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch và nhờ kẻ thù cứu mà ông thoát khỏi đuối nước, sau đó được đưa vào "khách sạn Hilton Hà Nội" (những tù binh phi công Mỹ đã hài hước gọi trại giam Hỏa Lò bằng cái tên như vậy). John McCain được trao trả sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Từ giã hải quân, ông bắt đầu tham gia sự nghiệp chính trị và đã trở lại thăm Việt Nam nhiều lần trên cương vị Thượng nghị sĩ. Ông là một trong những người tích cực nhất ủng hộ việc bình thường hóa và phát triển quan hệ với Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc đưa Đạo luật nhân quyền ra khỏi các cuộc thảo luận tại Thượng viện năm 2001 và 2004…

Trong bộ sưu tập ảnh lưu niệm và kỷ vật của Thượng nghị sĩ John McCain còn có một bức ảnh đặc biệt không kém. Đó là bức ảnh chụp tấm bia chứng tích bên hồ Trúc Bạch, ghi lại sự kiện thiếu tá John McCain bị bắn rơi và bị dân quân Việt Nam bắt sống. Đây là bức ảnh mà Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị - với cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam - trong chuyến thăm Hoa Kỳ hồi tháng 7 năm ngoái đã tặng Thượng nghị sĩ John McCain. Phải khẳng định, chuyến thăm ấy cũng là một dấu mốc đáng nhớ. Và bây giờ là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ hai nước: sự hợp tác hữu nghị, toàn diện trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng…, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và đặc biệt là đặt lợi ích của nhân dân hai nước lên hàng đầu.

Nói vậy để thấy rằng, bức ảnh chụp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thượng nghị sĩ John McCain trước những kỷ vật ký ức của ông McCain không những đã ghi lại khoảnh khắc đặc biệt của hai nhân vật đặc biệt, trong một bối cảnh đặc biệt, mà nó còn thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn chung của lãnh đạo hai nước cũng như mong muốn của nhân dân Việt Nam - Hoa Kỳ nói chung: Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Và đó là lý do nó được xem là bức ảnh rất ấn tượng.

Hà Anh