Tại sao người Do Thái đoạt nhiều giải Nobel văn học?

Văn hóa - Ngày đăng : 16:08, 10/07/2015

Thế giới vừa kỷ niệm 70 năm chấm dứt Thế chiến II, cũng là dịp tưởng niệm cái chết của gần 6 triệu người Do Thái hoặc gốc Do Thái dưới bàn tay phát xít. Đến năm 2013, người Do Thái trên thế giới là gần 14 triệu người, chỉ chiếm khoảng 0,2% dân số toàn cầu.


Vậy nhưng, số nhà văn gốc Do Thái nhận giải Nobel Văn chương lại chiếm tới 12,61%! Từ khi giải Nobel ra đời năm 1901 cho đến nay, ủy ban Nobel đã trao giải cho 111 nhà văn trên thế giới, trong đó có 14 nhà văn gốc Do Thái, chiếm đến 12,61%, một con số ấn tượng.

Patrick Modiano viết văn bằng tiếng Pháp, đoạt Nobel Văn học năm 2014, và Boris Pasternak viết văn bằng tiếng Nga, Nobel Văn học năm 1958, có gì chung? Cùng một câu hỏi: Elfriede Jelinek (Nobel 2004) viết văn bằng tiếng Đức, và Nadine Gordimer (Nobel 1991), viết văn bằng tiếng Anh, có gì chung? Câu trả lời là họ đều liên quan tới nguồn gốc Do Thái.

Tính chất Do Thái

Theo quốc tịch, Modiano là người Pháp, Pasternak là người Nga, Jelinek là người Áo và Nadimer là người Nam Phi, người ta khó mà thấy rõ những điểm chung giữa họ với nhau. Để trả lời cho câu hỏi nói trên, người ta đưa ra 3 tiêu chí đơn giản nhưng chắc chắn và dễ đồng thuận mà các bộ bách khoa thư Do Thái như Jewish Encyclopedia, Encyclopedia Judaica… đã áp dụng từ hơn một thế kỷ nay.

Vậy, được cho là có nhân thân Do Thái là những người: 1) có cha lẫn mẹ Do Thái (hai người này theo đạo Do Thái hay có sắc tộc, hoặc phả hệ Do Thái; hay 2) chỉ có cha hoặc mẹ là Do Thái; hoặc 3) tự nguyện trở thành Do Thái như theo đạo Do Thái (thông thường thì rất khó theo đối với người ngoài), hay lấy quốc tịch Do Thái, tức của nước Israel ra đời từ năm 1948.

Tuy vậy, có cái gì thật sự chung trong các sáng tạo văn học của các nhà văn có nhân thân Do Thái, hay nói một cách khác, có hay không, những điểm đặc trưng hay tính chất Do Thái mà người đọc có thể thấy được xuyên qua các tác phẩm của họ, dù chúng được viết bằng nhiều thứ tiếng khác nhau?

Trong suốt lịch sử giải Nobel Văn học, người Do Thái đã có đến 3 nữ nhà văn được trao giải, ít dân tộc nào sánh kịp. Đó là: Nelly Sachs...


Đây là một vấn đề gây tranh cãi và hầu như chưa (hay không thể) chấm dứt giữa các trí thức Do Thái ở nhiều nước Âu Mỹ… Xin nêu ra đây một ví dụ nói lên sự khác biệt lớn lao giữa những mối quan tâm sâu sắc trong các tác phẩm để đời của các nhà văn kể trên.

Imre Kertész nói về những kinh nghiệm đau thương của mình trong các trại tập trung Đức Quốc xã hồi Thế chiến II (1939-1945), qua đó, nói lên thân phận bị diệt chủng của người Do Thái ở châu Âu…

Trong cùng thời kỳ lịch sử đầy biến động này, cũng ở châu Âu, Elias Canetti lại bàn sâu về vai trò và số phận của trí thức Do Thái đối mặt với Chủ nghĩa Quốc xã trên hai bình diện văn hóa và chính trị. Trong khi đó ở Canada và Mỹ, Saul Bellow và Isaac Bashevis Singer lại quan tâm đến kinh nghiệm di dân và hội nhập vào xã hội Bắc Mỹ, có hài, có bi (nhưng không phải đối mặt với tù đày và chết chóc hàng triệu người như ở châu Âu) của thế hệ những người Do Thái đến từ các nước Đông Âu…

Tuy có sự khác biệt lớn đến thế nhưng vẫn còn có một điểm chung cơ bản giữa các nhà văn vừa nói trên: họ đã đặt người Do Thái vào vị thế trung tâm trong các tiểu thuyết của họ. Thế nhưng, còn những nhà văn gốc Do Thái được Nobel khác thì sao?

Năm 2001, 7 học giả Do Thái tên tuổi đang giảng dạy ở các đại học nổi tiếng như Oxford, Harvard, Berkeley, Jerusalem… đã bình chọn trong hai năm, theo yêu cầu của Trung tâm Sách Yiddish (The Yiddish Book Center, một tổ chức văn hóa Do Thái rất có uy tín ở Mỹ), 100 tác phẩm lớn nhất của nền văn học Do Thái hiện đại - được viết bằng tiếng Hebrew, Yiddish, Nga, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Pháp và các tiếng khác…

Được chọn trong danh sách đó các tác phẩm của Shmuel Agnon, Sam Bellow, Elias Canetti, Imre Kertész và Isaac Bashevis Singer vừa nói trên, nhưng vắng mặt các tác phẩm của 6 giải Nobel khác (tính đến năm 2000) như Henri Bergson, Boris Pasternak, Joseph Brodsky, Nadine Gordimer… Sự vắng mặt của họ (hay không được chọn) này cho thấy những tác phẩm lớn này không được xem là thuộc nền văn học Do Thái. Tức là chúng chẳng có gì chung, về mặt nội dung, với các tác phẩm “Do Thái” được chọn đó.

...Nadine Gordimer...


Trong các tác phẩm của Pasternak, Brodsky, Gordimer, và sau năm 2001, của Jelinek, Pinter…, người ta không thấy họ bận tâm gì đến bản sắc Do Thái (Jewish identity) hay tính chất Do Thái (Jewishness). Họ viết như những nhà văn “không Do Thái” (“non-Jewish”) khác, tức là như những người cùng chung với họ một ngôn ngữ quốc gia, cùng chung một địa lý quốc gia và một nền tảng văn hóa quốc gia, mà trong đó họ lớn lên và viết.

Sự sáng tạo của các nhà văn Do Thái đoạt Nobel Văn chương lại không đặt cơ sở trên tính cách Do Thái của bản thân họ cũng như các chủ đề trong các tác phẩm lớn của họ không liên quan gì đến thân phận làm người Do Thái hay bối cảnh lịch sử, xã hội, tâm lý… mà trong đó người Do Thái sống và chết. Ngay trong các bài diễn văn từ khi nhận giải Nobel của các nhà văn này cũng không có lấy một từ mang nghĩa hay liên quan đến “Do Thái” (Jewish, Judaic, Hebrew hay Yiddish…).

Năng lực đặc biệt?

Đến đây có lẽ nên nêu ra một câu hỏi khá thú vị khác: người Do Thái, nói chung, có hay không một năng lực đặc biệt về văn học, khi ta thấy số giải Nobel họ được khá ấn tượng?

Thật ra, câu hỏi này nằm trong một câu hỏi rộng hơn được đặt ra xưa nay: người Do Thái có thông mình hơn người khác không? Bởi vì người Do Thái cũng rất thành công trong các lãnh vực khác như khoa học, âm nhạc, tài chính… Tạm kể như trong ngành vật lý thì có đến 51 người gốc Do Thái đoạt giải Nobel trên tổng số 199 người (tính đến năm 2013), tức gần 26%! Trong ngành y học, con số này lên đến 27%... (cũng tính đến năm 2013).

...Elfriede Jelinek


Câu trả lời thật không hề đơn giản. Chẳng hạn như dựa trên thuyết di truyền hay dựa trên các yếu tố văn hóa thì thường gây ra tranh cãi căng thẳng và dai dẳng cho đến tận ngày hôm nay.

Bên cạnh những mẫu rập khuôn, quen thuộc nhưng méo mó, từ hơn ngàn năm nay về người Do Thái trong xã hội Âu Mỹ như: tham lam, bần tiện, ưa soi mói vụn vặt, lắm mưu mô xảo quyệt… cũng nổi bật những đức tính mà người ta thường thấy nơi họ: tham vọng vươn lên, óc ham hiểu biết, trí tưởng tượng phong phú, tính kiên trì, nhiều nghị lực. Nhưng phải nói là nhờ trí thông minh khác thường của họ, kết hợp với các đức tính trên, mới giúp họ, đặc biệt là từ thế kỷ 20 vừa qua, có những thành quả lớn lao đóng góp cho nhân loại.

Tóm lại, những yếu tố như di truyền, truyền thống văn hóa và đạo giáo coi trọng việc học và sách vở, thói quen tương trợ và đoàn kết trong môi trường xã hội và chính trị khó khăn, tâm lý cố gắng làm mới hơn, làm hay hơn… nói chung, đã giúp người Do Thái có được nhiều cá nhân xuất sắc. Ngoài văn học, tạm ghi ra đây một vài tên tuổi quen thuộc với chúng ta: A.Einstein (vật lý học), S.Freud (phân tâm học), Spinoza, K.Popper (triết học), Chagall, Modigliani (hội họa), Bob Dylan (viết ca khúc), S.Spielberg (điện ảnh), Elisabeth Taylor (diễn viên)…

Tuy nhiên, thật sự nhờ đâu mà họ có trí thông mình khác thường đến thế? Trên đây chỉ là một vài câu trả lời thường được nhắc đến, chứ không có nghĩa chúng được chấp nhận ở mọi nơi hay mọi lúc.

14 nhà văn nhận giải Nobel gốc Do Thái

Paul Von Heyse (1830 - 1914), Nobel 1910; Henri Bergson (1859 - 1941), Nobel 1927; Boris Pasternak (1890 - 1960), Nobel 1958; Shmuel Agnon (1888 - 1970), Nobel 1966 (chia giải với Nelly Sachs); Nelly Sachs (1891 - 1970), Nobel 1966 (chia giải với Shmuel Agnon); Saul Bellow (1915 - 2005), Nobel 1976; Isaac Bashevis Singer (1904 - 1991), Nobel 1978; Elias Canetti (1905 - 1994), Nobel 1981; Joseph Brodsky (1940 - 1996), Nobel 1987; Nadine Gordimer (1923 - 2014), Nobel 1991; Imre Kertesz (1929 - …), Nobel 2002; Elfriede Jelinek (1946 - …), Nobel 2004; Harold Pinter (1930 - 2008) Nobel 2005; Patrick Modiano (1945 - …), Nobel 2014.

Theo Thethaovanhoa