Khi người dân dùng thiết bị kích sóng trái phép: Trách nhiệm thuộc về ai?
Công nghệ - Ngày đăng : 08:15, 10/07/2015
Dùng thiết bị kích sóng trái phép để được gọi điện
Cụ thể, Đoàn thanh tra đã kiểm tra một hộ gia đình có địa chỉ ở Đường 800A (phố Phùng Chí Kiên, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) và hộ gia đình ở ngõ Quan Thổ 3 (phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa). Trước đó, Trung tâm Tần số VTĐ khu vực I đã phát hiện hai hộ gia đình trên sử dụng thiết bị kích sóng trái phép trong nhà làm nhiều người dùng di động trong khu vực này rất khó liên lạc vì trạm BTS gần đó bị can nhiễu.
Tuy nhiên, sau khi được đại diện Cục Tần số và nhà mạng Viettel thông báo, nhắc nhở hai hộ gia đình trên đã không chịu tháo bỏ mà vẫn sử dụng. Do vậy, Thanh tra Sở TT-TT và Phòng PA 81 đã phải vào cuộc như đã nêu. Đại diện hai hộ gia đình đã nhận ra hành vi vi phạm của mình là do không biết việc mua các thiết bị tần số trôi nổi trên thị trường là vi phạm pháp luật. Hơn nữa, các hộ gia đình đều cho biết, do nhu cầu cấp thiết được sử dụng di động để liên lạc, nhưng vì sóng di động tại đây quá yếu nên "cực chẳng đã" họ đã phải bỏ tiền ra mua bộ kích sóng. Các trường hợp vi phạm cũng tự nguyện tháo dỡ bộ thiết bị kích sóng giao nộp cho Đoàn thanh tra.
Theo PGĐ Trung tâm Tần số VTĐ khu vực I Nguyễn Phương Đông, đây chỉ là hai trường hợp trong số hơn 50 kháng nghị can nhiễu từ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động gửi cơ quan quản lý nhà nước thời gian qua. Trung tâm cũng đã kiểm tra cho thấy các vi phạm về can nhiễu diễn ra tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân… với các băng tần dùng cho hệ thống 2G, 3G. Việc các hộ dân tự ý lắp đặt thiết bị trái phép làm cho tỷ lệ rớt cuộc gọi tăng cao bất thường, suy giảm tốc độ kết nối, thậm chí làm gián đoạn kết nối mạng 3G.
Các nhà mạng có liên quan?
Theo lời chủ hộ địa chỉ ở Đường 800A, các thành viên trong gia đình dùng dịch vụ của MobiFone và Viettel, nhưng sóng rất yếu và hầu như không có, đặc biệt là ở tầng 1. Chủ hộ đã nhiều lần gọi điện phản ánh tới tổng đài chăm sóc khách hàng về tình trạng không có sóng di động trong nhà, nhưng đều nhận được giải thích không thỏa đáng và nhà mạng cũng không có giải pháp hỗ trợ khách hàng. Chủ hộ cũng cho biết, do nhu cầu sử dụng dịch vụ lớn nên gia đình phải chi gần 4 triệu đồng để mua bộ thiết bị kích sóng và lắp tới 3 bộ ăng ten ở lần lượt các tầng. "Tôi thấy mình có nhu cầu về liên lạc, tra trên mạng thấy có thì mua về dùng và không biết khi sử dụng bộ thiết bị này lại làm ảnh hưởng đến mạng viễn thông" - chủ gia đình tại địa chỉ trên cho biết. Tương tự như vậy, gia đình ở ngõ Quan Thổ 3 cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước "lên tiếng" để các nhà mạng có giải pháp kỹ thuật hỗ trợ khách hàng.
Theo ghi nhận của ngành chức năng, tại hai địa chỉ như đã nêu trên, chất lượng sóng di động của cả 3 nhà mạng MobiFone, Vinaphone, Viettel rất kém, đặc biệt là khi vào trong nhà hoặc là mất sóng, hoặc điện thoại chỉ báo 1 vạch cột sóng. Cũng từ đó cho thấy, nhu cầu sử dụng các thiết bị di động của người dân là chính đáng và trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ là phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng là đương nhiên. Song, kết quả như đã thấy, người dân vì cần liên lạc đã phải tự bỏ một khoản tiền ra mua bộ kích sóng mà không biết là mình vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đến đây không thể không đặt ra vấn đề về trách nhiệm của các nhà mạng khi cung cấp dịch vụ mà không bảo đảm chất lượng tới cùng cho khách hàng.
Nhiều khu vực thiếu trạm BTS các nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone, Vietnamobile đều thừa nhận nguyên nhân khiến một số hộ gia đình phải dùng thiết bị kích sóng trong nhà bắt nguồn từ sóng di động tại khu vực này kém chất lượng. Đồng thời cho biết, cái gốc của vấn đề là nhà mạng phải giải quyết bài toán nâng cao chất lượng dịch vụ. |