Ngành NN & PTNT Hà Nội: “Nặng gánh” cuối năm

Kinh tế - Ngày đăng : 07:41, 10/07/2015

(HNM) -  Bên cạnh những kết quả nổi bật, sản xuất nông nghiệp Thủ đô 6 tháng đầu năm 2015 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; công tác ứng dụng, nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả chưa cao; tình trạng vi phạm công trình thủy lợi, đê điều có chiều hướng gia tăng… Điều đó đang đặt ra cho ngành NN&PTNT Hà Nội một khối lượng công việc lớn phải tiếp tục giải quyết trong 6 tháng cuối năm.


Từ đầu năm đến nay, mặc dù thời tiết có diễn biến phức tạp song sản xuất vụ xuân đạt được năng suất cao, chăn nuôi gia súc gia cầm tiếp tục phát triển. Cụ thể là vụ đông 2014-2015, thành phố đã gieo trồng được 50.118ha, tăng 10,5% so với năm ngoái, trong đó cây trồng chủ yếu là ngô, đạt 10.581ha, tăng 17,2% kế hoạch. Trong sản xuất vụ xuân, toàn thành phố đạt 124.117ha, trong đó diện tích lúa là 99.812ha, năng suất lúa ước đạt 60,87 tạ/ha, sản lượng ước đạt 607.556 tấn.

Đối với cây rau, 6 tháng qua, thành phố đã rà soát, định vị được thêm 500ha rau an toàn để tập trung quản lý, chỉ đạo, nâng tổng diện tích rau an toàn lên 5.500ha, đạt 100% kế hoạch. Sở NN&PTNT cũng tập trung chỉ đạo các đơn vị trong khối chăn nuôi, thú y phối hợp với các địa phương và hộ chăn nuôi tăng cường phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thủy sản; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Mô hình trồng rau sạch trong nhà kính đang được nhiều hộ nông dân trên địa bàn thành phố áp dụng. Ảnh: Sơn Hà


Cũng trong thời gian này, thành phố đã hoàn thành công tác kiểm tra, đánh giá hệ thống đê kè và công trình thủy lợi trước mùa mưa bão, úng; tiến hành tu bổ, sửa chữa các hạng mục công trình phòng chống lũ, tu sửa máy móc, thiết bị các trạm bơm tiêu, bảo đảm vận hành hết công suất trong mùa mưa bão. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương đang tích cực thực hiện với mục tiêu hoàn thành 40% số xã nông thôn mới theo Nghị quyết của HĐND thành phố đến hết năm 2015.

Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp Thủ đô trong 6 tháng đầu năm 2015 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Mặc dù các địa phương đã cơ bản dồn điền đổi thửa xong nhưng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, chưa thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá thành sản phẩm thấp, khả năng cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế, chưa hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh lớn.

6 tháng đầu năm, Sở NN&PTNT mới triển khai được 38/80 chương trình công tác trọng tâm trong năm, trong đó mới có 29 chương trình hoàn thành, đạt 31%. Trong khi đó, kết quả xây dựng cơ bản 
đạt rất thấp. Tính đến 30-6, Sở được giao hơn 1.152 tỷ đồng, với 105 dự án nhưng đến hết tháng 6 giá trị khối lượng thực hiện mới đạt hơn 308 tỷ đồng, đạt 26,7% kế hoạch, giải ngân được hơn 283 tỷ đồng, đạt 24,6% kế hoạch.



Đáng chú ý, trong 6 tháng, thành phố đã phát sinh 174 vụ vi phạm pháp lệnh về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, nhưng mới xử lý được 12 vụ, còn tồn tại 162 vụ. Ngoài ra, trên địa bàn xảy ra 204 vụ vi phạm đê điều, tăng so với cùng kỳ nhiều năm (năm 2014 có 135 vụ, năm 2013 có 114 vụ) và có tính chất, diễn biến phức tạp, trong đó có một số vụ vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng khai thác cát trái phép, lập bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng không phép, sai phép trên sông.

Đối với vấn đề nước sạch, mục tiêu của thành phố đến cuối năm 2015 sẽ có 40% dân số được sử dụng nước sạch, tuy nhiên, đến nay kết quả đạt được còn rất khiêm tốn, tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sạch mới đạt 36,6%. Riêng với việc triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như Nghị quyết 25, rất nhiều địa phương kêu khó vận dụng vào thực tiễn...

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành NN&PTNT hết sức nặng nề. Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, Sở NN&PTNT rà soát lại chương trình đề án sản xuất nông nghiệp đã được cấp kinh phí để điều chỉnh phù hợp, tránh việc đầu tư vốn không hợp lý, thiếu hiệu quả.

Trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản cần xem xét những khó khăn vướng mắc, có báo cáo rõ những nguyên nhân từng dự án, xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, sở, ngành để có hướng tháo gỡ. Đối với tình trạng vi phạm đê điều, Phó Chủ tịch yêu cầu các huyện, thị xã cần đánh giá trách nhiệm của địa phương khi để phát sinh vi phạm, đặc biệt là đánh giá đúng thực trạng vi phạm. Trong xử lý vi phạm cần phân loại mức độ của từng nhóm, từng trường hợp để có giải pháp thích hợp...

Nguyễn Mai