Khi Tổ quốc là những gì gần gũi!
Văn hóa - Ngày đăng : 06:30, 10/07/2015
Nếu nhìn từ kết cấu thì 99 thi phẩm trong tập “Tổ quốc gọi tên mình” được chia làm 3 phần: “Tôi nghe tiếng Tổ quốc tôi”; “Dịch chuyển” và “Rơi nhẹ ngàn năm”. Nhưng nhìn về cảm xúc thì đó là một thể thống nhất: Từ quá trình dịch chuyển, sống và làm việc ở nhiều nơi trên thế giới, chị tha thiết nghe và nghe được rõ ràng hơn tiếng Tổ quốc mình. Tình yêu với cha, mẹ, những con người mộc mạc, chân chất ở quê hương; tình yêu với các con, với người chồng và gia đình chồng ở một nền văn hóa khác càng khiến cho Quế Mai gần hơn với Tổ quốc. Và cũng từ những gì gần gũi nhất với mình, chị bắt rễ, nảy mầm ở những miền đất khác với khát vọng và niềm tin vào hạnh phúc con người.
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. |
“Soi vào mắt con, mẹ thấy cả một trời xanh cứu rỗi, Quỳ xuống và tin, ngây thơ trong trẻo còn tồn tại trên đời/Tóc con rẽ ngôi/Chỉ đường mẹ quay về thời thơ ấu...” (Nói với con); “Chúng mình mang hai nửa thế giới/Ấp tròn cho nhau/Quả trứng tình yêu mình mang trong ngực...” (Nói với chồng). Bài “Gian bếp của mẹ” như thể một không gian sắp đặt, một khúc của trường ca về người sinh ra ta “Mẹ nhấc đũa lên, khuấy nắng vào nồi cơm đang sôi/Vạt áo mẹ đẫm hương thơm của mùa gặt mới”. Viết về mẹ chồng, chị khiến cho ta nghĩ hình như người mẹ nào ở đâu cũng thế, cũng từng “gồng lưng gánh chiến tranh trên đôi vai nhỏ bé”...
Day dứt và ám ảnh là bài thơ “Dịch chuyển”, bởi khi đó Quế Mai đối diện, không chối bỏ “thân phận” của mình: “Là một cái cây đang trổ hoa/Tôi tự bứng mình lên/Khỏi người thân bạn bè tiếng nói/Trơ trọi/Tôi rụng lá giữa không trung...”. Nhận ra ở Quế Mai một người đàn bà làm thơ thông minh, lý trí. Nhưng, may mắn thay, chất lý trí rõ ràng đã hòa quyện với cảm xúc nồng nhiệt, luôn dào dạt của Quế Mai. Nó tạo thành một lối tư duy đặc trưng với những cặp hình ảnh đối lập, đặt người đọc ở ranh giới thử thách cảm xúc “Lời bà ru tôi trên những cụm tre già/Giếng nước cạn hốc mắt tôi đầy nước” (Quê ngoại); “Hoa không ngăn được mình chảy dòng tang trắng/Cỏ không ngăn nổi mình trào nấm mộ xanh/Tôi nhỏ bé hơn hoa thấp hơn cỏ... nghiêng mình” (Đồng Lộc)...
Phải nói, với “Tổ quốc gọi tên mình”, Quế Mai còn có những bài thơ đóng góp vào dòng thơ viết về Hà Nội với những góc khám phá, lối thể hiện đầy cảm xúc, khá độc đáo như “Những ngôi sao hình quang gánh”, “Ta phố”, “Mơ về Hà Nội”, “Thư của mùa thu”... Có lẽ vì thế mà một trong những thi phẩm của chị về mảnh đất trái tim đất nước đã được cố nhạc sĩ An Thuyên phổ nhạc thành ca khúc “Tan vào Hà Nội”. Bài hát này đã vang lên trong buổi ra mắt tập thơ “Tổ quốc gọi tên mình” cùng với những hồi tưởng xúc động của nhà thơ về người nhạc sĩ tài hoa mới qua đời.
Nguyễn Phan Quế Mai không còn là gương mặt “mới” của làng thơ như buổi đầu giới thiệu tập “Trái cấm”, hay bắt đầu được chú ý khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội... Nhưng có lẽ, điều quý giá hơn cả là những cảm xúc chân thành không ngừng được chuyển tải mới mẻ trong thơ chị, góp phần khiến người đọc tìm lại được chiều sâu lay động với thơ. Quế Mai là một trong những đại biểu người Việt ở nước ngoài về dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX đang diễn ra tại Hà Nội. Sau buổi gặp gỡ này, chị lại lên đường sống, làm việc ở một vùng đất mới... Tưởng như mỗi lần về Việt Nam, về Hà Nội chị đều cất tiếng: “Hà Nội ơi/ Tôi về rồi/Mai trên phố/Tóc tôi bay/Tôi tan vào Hà Nội/Tan vào đêm gió nổi/Tan vào hương Ngọc Lan...” (Tan vào Hà Nội).