Vì sao nhiều tổ chức khoa học chưa thể tự chủ?

Công nghệ - Ngày đăng : 06:27, 10/07/2015

(HNM) - Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập đã mở ra vận hội mới cho các nhà khoa học, các tổ chức khoa học phát huy được năng lực nội sinh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc triển khai Nghị định còn gặp nhiều khó khăn bởi còn thiếu những cơ chế đặc thù.

Cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ các tổ chức KH&CN, trong việc vay vốn, đất đai, lãi suất, miễn giảm thuế thu nhập để nâng cao khả năng tự chủ. Ảnh: Minh Ngọc



- Thưa ông, Nghị định 115 ra đời từ 10 năm trước nhưng vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả trong cuộc sống. Xin ông cho biết về nguyên nhân khiến cho tiến độ chuyển sang tự chủ của các tổ chức khoa học công lập quá chậm?

- Trước tiên, chúng ta phải kể đến những nguyên nhân chủ quan. Đó là sự thiếu quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện Nghị định 115 của một số bộ, ngành, địa phương, chủ yếu vì chưa nhận thức đúng và chưa đầy đủ về quy định, thậm chí chưa nắm rõ đối tượng phải thực hiện Nghị định 115. Đến nay, còn một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa phê duyệt xong đề án thực hiện cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập trực thuộc. Ngay cả một số cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa nhận thức đúng và chưa thực hiện đúng, đầy đủ quy định về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các tổ chức KH&CN, như ưu đãi trong việc vay vốn, đất đai, hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế thu nhập... Do đó, tổ chức KH&CN chưa được hỗ trợ thực sự khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, việc phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN ở một số đơn vị còn mang tính hình thức. Nhiều tổ chức đã được phê duyệt đề án thực hiện Nghị định 115 nhưng chưa được giao quyền tự chủ thực sự về tài chính, nhân lực và hợp tác quốc tế, nhất là ở các địa phương. Một số tổ chức đã phê duyệt đề án sang loại hình tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên nhưng vẫn được cơ quan chủ quản là các bộ, ban, ngành cấp kinh phí hoạt động thường xuyên. Tâm lý ỷ lại vào kinh phí của Nhà nước còn tồn tại sâu đậm trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo tổ chức KH&CN cũng như các nhà khoa học, khiến họ chưa mạnh dạn, thể hiện sự bỡ ngỡ khi bước vào nền kinh tế thị trường.

- Các cơ quan quản lý và các tổ chức, nhà khoa học cho rằng hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến triển khai Nghị định 115 còn thiếu đồng bộ và đó là nguyên nhân quan trọng khiến tổ chức KH&CN gặp khó khăn. Ông đánh giá thế nào về điều này?

- Đúng là các tổ chức KH&CN gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do sự thiếu đồng bộ của các quy định trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành. Nghị định 115 cho phép tổ chức KH&CN công lập được dùng quyền sử dụng đất để góp vốn, liên doanh, liên kết, sản xuất kinh doanh, thế chấp vay vốn ngân hàng. Tuy vậy, trên thực tế, việc này không thực hiện được bởi theo quy định của Luật Đất đai, các tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Nghị định cũng cho phép tổ chức KH&CN được quyền tự chủ về nhân lực. Nhưng trên thực tế, Luật Viên chức quy định vị trí việc làm là do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Luật KH&CN năm 2013 cho phép bổ nhiệm, thuê người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức KH&CN, nhưng theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức thì người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải là công dân Việt Nam. Điều này dẫn đến vướng mắc trong triển khai chính sách thu hút chuyên gia trình độ cao là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài. Tương tự, tổ chức KH&CN cũng không thể thành lập, giải thể các đơn vị có tư cách pháp nhân như Nghị định cho phép, mà quyền này vẫn thuộc cơ quan chủ quản là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh.

- Trước thực trạng này, Bộ KH&CN có giải pháp gì để có thể hoàn thành việc chuyển đổi theo như kế hoạch, thưa ông?

- Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiêm túc thực hiện đúng quy định của Nghị định 115 và các văn bản hướng dẫn thực hiện, nhất là việc phân loại và phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN trực thuộc. Bên cạnh đó, cần kiên quyết sáp nhập, giải thể tổ chức KH&CN hoạt động không hiệu quả; thực hiện đúng quy định về cấp kinh phí hoạt động thường xuyên thông qua nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức KH&CN công lập. Ngoài ra, cần có chế tài đủ mạnh đối với những tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm túc quy định của Nghị định 115. Có chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư khi sáp nhập, giải thể tổ chức KH&CN. Khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, việc giải quyết lao động dôi dư nhằm sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy nhân sự của tổ chức KH&CN theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả là điều cần thiết.

- Ông có thể cho biết hiện đã có những cơ chế nào để hỗ trợ cán bộ dôi dư sau sáp nhập, giải thể tổ chức KH&CN công lập?

- Cán bộ dôi dư khi tổ chức KH&CN công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy để thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, được hưởng chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BNV-BTC ngày 14-4-2015 của liên bộ Nội vụ, Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để hỗ trợ cán bộ dôi dư khi sáp nhập, giải thể các tổ chức KH&CN.

- Xin cảm ơn ông!

Ánh tuyết