“Trái tim mãi hát” – Cuốn sách viết về NSƯT Quang Phác
Sách - Ngày đăng : 15:39, 09/07/2015
Đó chính là ca sĩ, NSƯT Quang Phác, nguyên giảng viên của Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương (ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương).
Nhắc đến NSƯT Quang Phác có thể nhiều người, nhất là thế hệ trẻ thấy lạ lẫm, mức độ nổi tiếng và số lượng bài do ông thể hiện ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người nghe không phải là nhiều nhưng ông thực sự làm nên hai của “độc” mà theo tác giả cuốn sách cho rằng còn rất lâu về sau này, may ra mới có người hát so được với ông.
Đó là Hồ trên núi của Phó Đức Phương và Hò biển của Nguyễn Cường. Quang Phác thu thanh hai bài này ở Đài Tiếng nói Việt Nam đã mấy chục năm. Từ đó đến nay, phải có tới hàng trăm ca sĩ chuyên nghiệp khác hát cả trên làn sóng lẫn trên sân khấu, trong băng đĩa nhưng chưa thấy ai hát có hiệu quả so được với ông.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Công an Nhân dân Trần Cao Kiều cho biết: “Có thể các bạn trẻ sinh sau 1975 không mấy biết về Quang Phác, càng ít có dịp nghe anh hát, cũng như ít gần gũi với những tên tuổi các danh ca Trần Khánh, Trần Thụ, Thanh Huyền, Tuyết Thanh, Vũ Dậu, Bích Liên...
Ðiều đó là dễ hiểu bởi họ chỉ nổi danh một thời, mà nghề ca hát khó "hành" được cả đời. Nhưng ai đã một lần nghe Quang Phác hát Hò biển (Nguyễn Cường), Hồ trên núi (Phó Ðức Phương), Bài ca bên sông (Huy Du) hay song ca cùng Thúy Hà bài Ðường bốn mùa xuân (Ðỗ Nhuận) thì sau đó không thấy ai hát hay bằng (giống như Tân Nhân hát Xa khơi, Tường Vi hát Cô gái vót chông, Trần Khánh hát Bài ca người thợ mỏ, hay Quốc Hương hát Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người...).
NSƯT Quang Phác hát tặng độc giả trong buổi giao lưu ra mắt cuốn sách. |
Tác giả Nguyễn Đình San chia sẻ: “Với cách nhìn phổ biến bình thường, Quang Phác là một ca sĩ chuyên nghiệp, đồng thời là một giảng viên thanh nhạc giống như nhiều đồng nghiệp khác. Có chăng ông hơn nhiều người khác ở chỗ vừa giảng dạy, làm thầy, lại vừa làm nghệ sĩ biểu diễn. Bởi vì từng có người dạy rất giỏi nhưng không hát được - chính xác hơn là không có công chúng. Ngược lại, dĩ nhiên là hát rất hay, được công chúng ái mộ nhưng không thể dạy, không biết dạy.
Nhưng dẫu vậy, Quang Phác cũng sẽ chưa khiến tác giả bỏ công đằng đẵng gần 3 tháng trời để viết cả một cuốn sách mấy trăm trang như thế này về ông. Ở nước ta, viết chân dung không phải là việc mới mẻ, hiếm hoi gì. Hầu hết những người nghệ sĩ có chút tên tuổi, thậm chí chưa đến mức nổi tiếng, thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật cũng ít nhất một lần nào đó được giới thiệu, tôn vinh. Nhưng đều là trên báo chí và các phương tiện truyền thông khác chứ không phải là những cuốn sách”.
Theo tác giả, ông sẽ không thể nẩy ý nghĩ viết về Quang Phác kỹ lưỡng, cặn kẽ bằng sách nếu ông không có một cuộc sống quá đặc biệt, nhất là ở giai đoạn “hậu vận”. Nhưng nếu chỉ như vậy vẫn chưa khiến tác giả nghĩ tới cả một cuốn sách. Điều thú vị có thể nói rất ít người có được như Quang Phác là từ cuộc sống đó, trái tim ông vẫn bay bổng lên những giai điệu, vẫn mượt mà, nhẹ nhàng, bình thản, vút lên như xưa, tuy có thể giọng hát đã ít nhiều yếu hơn, chệch choạc, xiêu vẹo hơn bởi quy luật tuổi tác. Nhưng ở ông, không bao giờ ngưng ca hát. Và thế là bạn đọc sẽ cảm thông, chia sẻ với tác giả về cái tên cuốn sách này: TRÁI TIM MÃI HÁT.
“Mãi hát” chứ không phải là “vẫn hát” như ý định ban đầu của tác giả khi nghĩ tên cho cuốn sách. “Vẫn hát” thì có thể có điểm dừng, đến một lúc nào đó thể tắt. Nhưng “mãi hát” thì vĩnh hằng, không bao giờ mất đi. Thân xác ta đến một lúc nào đó sẽ trở về với cát bụi theo quy luật tự nhiên nhưng tiếng hát của ta, nếu có sức lôi cuốn người khác thì sẽ mãi còn đó, văng vẳng giữa cuộc đời. “Trái tim mãi hát” của Quang Phác còn có ý nghĩa như thế.