Thực phẩm chiếu xạ có duy trì được chất lượng dinh dưỡng?

Xã hội - Ngày đăng : 06:12, 09/07/2015

Hai số báo trước, quý báo đã giải thích về những cơ sở khoa học chứng minh sự ưu việt của thực phẩm đã qua chiếu xạ. Tuy nhiên, tôi muốn được quý báo làm rõ hơn về vấn đề thực phẩm qua chiếu xạ có duy trì được chất dinh dưỡng hay không và ở nước ta đã có quy định nào liên quan đến vấn đề này chưa? Vũ Văn Đồng (quận Long Biên, Hà Nội)

Hai số báo trước, quý báo đã giải thích về những cơ sở khoa học chứng minh sự ưu việt của thực phẩm đã qua chiếu xạ. Tuy nhiên, tôi muốn được quý báo làm rõ hơn về vấn đề thực phẩm qua chiếu xạ có duy trì được chất dinh dưỡng hay không và ở nước ta đã có quy định nào liên quan đến vấn đề này chưa?
Vũ Văn Đồng (quận Long Biên, Hà Nội)

- Theo tài liệu của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH&CN), năm 1980, Ủy ban hỗn hợp giữa Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã khẳng định, chiếu xạ không làm giảm vấn đề dinh dưỡng trong thực phẩm. Theo đó, các nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh là các chất dinh dưỡng đa lượng như protein, gluxit và lipit tương đối ổn đinh khi xử lý thực phẩm tới liều 10kGy. Các chất dinh dưỡng vi lượng, đặc biệt là các vitamin, tỏ ra khá nhạy cảm với các tác nhân xử lý, kể cả với bức xạ. Ví dụ, vitamin A, E, C và B có độ nhạy cảm cao với bức xạ song cũng chỉ tương đương với các tác nhân xử lý bằng nhiệt. Sự thay đổi các giá trị dinh dưỡng trong thực phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Liều lượng bức xạ, loại thực phẩm, chất liệu bao gói và các điều kiện xử lý (nhiệt độ trong thời gian chiếu xạ và lưu kho sau chiếu xạ). Phần lớn các yếu tố trên cũng gặp phải trong các phương pháp bảo quản thực phẩm khác đã và đang sử dụng.

Ngoài ra, trong "10 quy tắc vàng" của WHO cho việc lựa chọn và dùng thực phẩm thì quy tắc thứ nhất là lời khuyên "hãy chọn thực phẩm đã được xử lý bảo đảm an toàn" và trong các phương pháp bảo đảm an toàn hiện có khuyến cáo "khách hàng nên chọn thực phẩm xử lý bằng bức xạ".

Liên quan đến câu hỏi của bạn cũng cần khẳng định thêm rằng, thực phẩm đã nhiễm độc tố vi sinh hoặc nhiễm vi rút không thể làm sạch bằng chiếu xạ. Ngoài ra, không có phương pháp nào từ chiếu xạ đến các phương pháp thông thường có thể biến thực phẩm đã hỏng, bẩn trở thành tốt được. Như vậy, chiếu xạ thực phẩm không thay thế Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) ở các nhà máy chế biến thực phẩm.

Ở nước ta, ngày 14-10-2004, Bộ Y tế đã ra Quyết định số 3616/2004/QĐ-BYT về việc ban hành "Quy định Vệ sinh an toàn đối với thực phẩm bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ", kèm theo đó là danh mục thực phẩm được phép chiếu xạ và giới hạn liều hấp thụ tối đa. Như vậy là liên quan đến vấn đề chiếu xạ thực phẩm thì nước ta cũng đã có quy định rõ và bạn đọc có thể dễ dàng tham khảo chúng qua internet khi cần.

Minh Đàm