Chuyện quản lý: Đừng lừa người tiêu dùng

Đời sống - Ngày đăng : 07:49, 08/07/2015

(HNM) - Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về việc thịt trâu Ấn Độ đông lạnh đã được một số tiểu thương giả làm thịt bò để đánh lừa người tiêu dùng (NTD), kiếm lời bất chính... Được biết, trong năm 2014, hơn 26.000 tấn thịt trâu có nguồn gốc từ Ấn Độ đã được nhập về Việt Nam.


Theo đại diện của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, toàn bộ số thịt trâu trên nhập khẩu vào Việt Nam hợp pháp. Đáng ngạc nhiên là sau khi vào thị trường Việt Nam, số thịt trâu nhập khẩu đó "biến mất" một cách khó hiểu bởi không thấy xuất hiện tại các cửa hàng, đại lý, siêu thị. Câu hỏi đặt ra, phải chăng loại thịt này đã được "biến tướng" thành một loại thịt khác để bán ra thị trường?

Ảnh minh họa


Theo các chuyên gia, tình trạng này rất đáng quan ngại. Nếu để tình trạng gian lận thương mại diễn ra, NTD sẽ mất lòng tin vào thị trường bán lẻ trong nước, ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế. NTD vẫn nhận được khuyến cáo phải thông thái để lựa chọn những thực phẩm an toàn, có giấy kiểm dịch của các ngành chức năng và nhất là có xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, thịt trâu Ấn Độ nếu được gắn giả mác thịt bò thì NTD không thể phân biệt dù có thông thái tới đâu, bởi đã được chế biến thành món ăn trước khi tới tay NTD.

Rõ ràng, hành vi "treo đầu dê, bán thịt chó" là rất đáng lên án. Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng và "vấn nạn" này là mối đe dọa đến cả nền kinh tế. Do vậy, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng và các cấp có thẩm quyền, thay vì chỉ khuyên NTD nên thông thái!

Kính Lúp