Cuộc vận động ”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Coi trọng công tác tuyên truyền

Kinh tế - Ngày đăng : 07:44, 08/07/2015

(HNM) - Thời gian qua, công tác tuyên truyền về Cuộc vận động (CVĐ)


Theo BCĐ CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội, từ đầu năm đến nay, công tác tuyên truyền CVĐ đã được các cấp, ngành của Hà Nội tập trung chỉ đạo sâu sát với nhiều nội dung và hình thức phong phú. Qua đó đã tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng hàng Việt. Các DN trên địa bàn cũng đã tích cực hưởng ứng CVĐ, chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, coi trọng khách hàng, tăng cường quảng bá sản phẩm, thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi NTD.

Nâng cao tuyên truyền sẽ giúp hàng Việt có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Việt Nam.


Các nội dung tuyên truyền được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên bản tin và trang web của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) thành phố; trên các phụ san, chuyên trang, chuyên mục của các báo, cổng giao tiếp điện tử thành phố… Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố đã hướng dẫn Ủy ban MTTQ các quận, huyện, thị xã phối hợp với các ban, ngành, các tổ chức thành viên tổ chức nhiều phiên chợ Việt; tham mưu cho BCĐ tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân hưởng ứng CVĐ; tiếp tục hoạt động hệ thống "Bình chọn trực tuyến hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" trên website MTTQ; triển khai tuyên truyền CVĐ trên một số tuyến xe buýt, nhà chờ xe buýt…

BCĐ các quận, huyện, thị xã đã phối hợp tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như sử dụng pano, khẩu hiệu; tuyên truyền trên đài phát thanh phường, xã về nội dung thực hiện CVĐ, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng vận động, tuyên truyền CVĐ tới thành viên BCĐ các thị trấn, phường, xã. BCĐ CVĐ của huyện Ba Vì được đánh giá là một trong những đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các DN và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn trong việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bà Phan Thị Hoa, Phó BCĐ CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" huyện Ba Vì cho biết, các nội dung tuyên truyền về CVĐ được truyền tải thường xuyên trên hệ thống truyền thanh của các huyện, xã, thị trấn; trên bản tin và trang web của MTTQ…

6 tháng đầu năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã tổ chức 234 buổi tuyên truyền lồng ghép các nội dung CVĐ với 24.707 lượt người tham dự; treo 164 băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích tại trung tâm các xã, thị trấn và khu dân cư; cấp 5.513 cuốn "Sổ tay người tiêu dùng"; 20.759 tờ rơi, tờ gấp và 2.431 loại sách báo, tài liệu khác có nội dung về CVĐ tới các Ban Công tác mặt trận trên địa bàn huyện; đăng tin quảng bá các DN trong nước có sản phẩm chất lượng cao, được NTD ưa chuộng, góp phần nâng cao uy tín cho DN, khẳng định thương hiệu sản phẩm sản xuất trong nước và cổ vũ các hoạt động kinh doanh cũng như trách nhiệm xã hội của DN đối với NTD… Qua đó, từng bước hình thành thói quen ưu tiên mua sắm hàng hóa do các DN Việt sản xuất trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tỷ lệ hàng nội địa tại các công sở, cơ quan tăng rõ rệt, góp phần tạo cho sản xuất trong nước phát triển.

Sơ kết thực hiện CVĐ 6 tháng đầu năm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố, Trưởng BCĐ CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội Đào Văn Bình cho biết, công tác tuyên truyền về CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tới đây hàng hóa được mở cửa tự do, thuế suất nhiều loại hàng hóa bằng 0% khiến hàng nội địa phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn. Nếu thua trong cuộc cạnh tranh này, Việt Nam sẽ mất thị trường ngay trên "sân nhà". Vì vậy, thời gian tới, BCĐ CVĐ thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, BCĐ CVĐ các quận, huyện phải đổi mới phương thức tuyên truyền CVĐ đến các DN, NTD với nhiều nội dung phong phú để bảo đảm 100% người dân và DN biết và thực hiện hiệu quả CVĐ này.

Thanh Hiền