Chậm tiến độ vì... thiếu vốn
Đời sống - Ngày đăng : 06:38, 08/07/2015
Một khu nhà "ổ chuột" ven các tuyến kênh khu vực nội thành. |
Kết quả cho thấy: Số căn nhà ven kênh rạch cần phải di dời là 17.027 căn, tăng thêm hơn 7.000 căn so với thống kê trước đó. Theo Sở Xây dựng, có thể trước đây có những đoạn, tuyến kênh trước đây chưa được khảo sát, thống kê. Từ năm 2006, TP Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị, trong đó trọng tâm là công tác di dời nhà ở ven kênh rạch với mục tiêu trong giai đoạn 2006 - 2010, di dời và tái định cư cho 15.000 hộ sống ở ven 4 tuyến kênh rạch khu vực nội thành. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, tiến độ di dời chậm so với kế hoạch đề ra. Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, sở dĩ công tác di dời nhà ven kênh bị đình trệ là từ năm 2008, thành phố đã cắt nguồn vốn ngân sách để thực hiện chương trình này và kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Ngân sách thành phố chủ yếu chỉ dành cho công tác khảo sát, đo vẽ hiện trạng, lập quy hoạch. Phần quan trọng và tốn kém nhất là đền bù giải tỏa, xây nhà tái định cư bị ách tắc do... thiếu vốn.
Theo tính toán của các cơ quan chức năng, để di dời hơn 17.000 căn nhà ven kênh rạch cần khoảng 15.000 tỷ đồng. Trong khi đó, theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, nguồn kinh phí để thực hiện chương trình hiện chủ yếu lấy từ ngân sách. Tuy nhiên, nguồn ngân sách thành phố rất eo hẹp, lại tập trung cân đối các dự án hạ tầng, giao thông trọng điểm, cấp bách. Đó là chưa kể những khó khăn "hậu di dời" như giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm nguồn thu nhập, an sinh xã hội cho hàng chục nghìn hộ bị ảnh hưởng bởi dự án.
Để tạo nguồn kinh phí thực hiện chương trình, UBND TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương xã hội hóa từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, do khó khăn của nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản trầm lắng nên các nhà đầu tư khá thờ ơ với kế hoạch này, dù thành phố đã chủ động chào mời, kêu gọi đầu tư. Nhằm bảo đảm kế hoạch, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND thành phố cho phép ưu tiên cân đối nguồn vốn để bố trí chi hằng năm, đồng thời tạm ứng vốn ngân sách đối với các dự án đã được duyệt hoặc đang triển khai. Thế nhưng, theo Sở Tài chính, nguồn vốn ngân sách thành phố khó có thể cân đối để thực hiện toàn bộ chương trình mà chỉ có thể bố trí cho một số dự án trọng điểm, cấp bách. Trước khó khăn này, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín cho biết, thành phố đang xem xét bán một số dự án thuộc quỹ đất tái định cư của thành phố để lấy kinh phí thực hiện công tác di dời.