Nghị lực phi thường của người lính sống sót sau vụ máy bay rơi

Xã hội - Ngày đăng : 11:06, 07/07/2015

Cho đến bây giờ, chưa giây phút nào mà thượng úy Đinh Văn Dương quên được những thời khắc thảm khốc sau vụ máy bay Mi-171 chở 21 người gặp nạn ở thôn 11, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Tròn 1 năm trước, ngày 7.7.2014, 20 đồng đội của thượng úy Dương đã hy sinh, anh là người may mắn sống sót.


Qua 17 lần phẫu thuật, cắt hai khớp gối và 10 đầu ngón tay, khuôn mặt có phần bị biến dạng, nhưng thượng úy Dương đã đứng được dậy, trên đôi chân giả, tập tễnh bước đi. Trong mắt anh, niềm tin vào cuộc sống vẫn tràn đầy…

105 ngày chiến đấu với tử thần

Hôm qua, 6.7, chúng tôi trở lại Bệnh viện Bỏng quốc gia để thăm hỏi tình hình sức khỏe của người duy nhất sống sót trong sự cố đó. Gặp thượng úy Dương không dễ, vì anh vẫn đang trong quá trình điều trị đặc biệt.

Thượng úy Đinh Văn Dương đang tập những bước đi đầu tiên với đôi chân giả. Ảnh: MỘC MIÊN


Tiếp chúng tôi là bà Trịnh Thị Đông, mẹ ruột thượng úy Đinh Văn Dương. Bà Đông chưa đến 60 tuổi nhưng tóc bạc trắng. Bà kể, còn một ngày nữa là tròn một năm Dương nằm trong viện, từng ấy thời gian Dương phải chiến đấu với bệnh tật, phải nỗ lực từng ngày. “Một khoảng thời gian khá dài bên con, lo cho con và chăm sóc cho con, từng thứ nhỏ nhất, chỉ có người mẹ, lòng mẹ bao la mới làm được như vậy. Những tháng đầu điều trị, bản thân tôi cũng khá áp lực và buồn. Tưởng chừng như sẽ mất con trai, nhưng rồi như điều kỳ diệu đến với gia đình, con trai tôi đã tỉnh lại và bây giờ đã có thể tập đi”.

Bà Đông nhớ lại: “Hai ngày đầu tiên, dù điều trị theo đúng phác đồ nhưng huyết áp anh vẫn tụt, tim ngừng đập 2 lần. Vượt qua giai đoạn này, trong thời kỳ nhiễm khuẩn nặng, các bác sĩ phải tháo khớp gối và 10 đầu ngón tay hoại tử. Bước sang ngày thứ 77 của đợt điều trị, Dương bị suy đa tạng: Suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận, suy cơ quan tạo máu, tiên lượng tử vong cao”.

“Với phương châm “còn nước còn tát”, phải cứu cho được bệnh nhân này, các bác sĩ tiếp tục cho Dương dùng thuốc trợ tim, vận mạch, duy trì huyết áp, lọc máu liên tục kết hợp với các loại kháng sinh tốt nhất. Khoảng 15 ngày sau, các cơ quan mới bắt đầu hồi phục nhưng Dương vẫn phải dùng máy thở cùng thuốc an thần”, bà Đông nhớ lại.

Sau 105 ngày nằm trong phòng cấp cứu, đến ngày 31.10.2014 anh Dương được rút ống thở và tỉnh lại. Bệnh nhân hồi phục trí nhớ nhanh chóng, tâm lý không hoảng loạn khiến các bác sĩ rất bất ngờ. Anh nhớ tất cả ký ức về thời khắc máy bay rơi và khóc mỗi lần nhớ lại.

Đang nói dở câu chuyện, bà Đông đưa tay dụi vào mắt vội lau đi những giọt nước mắt đang sắp lăn ra ngoài. Bà nói từ ngày vào viện, việc ăn ở được chu cấp rất cẩn thận, từ giường nằm, từng bữa cơm và thậm chí phía lữ đoàn còn thay nhau chăm Dương cùng người nhà.

Hiện thượng úy Dương đang tập những bước đi đầu tiên trên đôi chân giả, khoảng ba đến bốn tháng tới đây sẽ tiến hành phẫu thuật kéo mắt, tai, vuốt mũi,… Mỗi tháng, Dương đều được các bác sĩ cho xét nghiệm máu, rất may là thể trạng của Dương hồi phục rất nhanh. Từ ngày biết con có thể “tập đi” trở lại, mẹ thượng úy Dương phấn khởi: “Gần 1 năm túc trực bên giường bệnh, không lúc nào tôi không lo lắng cho số phận của con trai. Dương đã đi được hơn chục bước rồi đấy, khi nào mỏi con trai tôi lại quay về giường ngồi. Dẫu biết con sẽ phải trải qua nhiều khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi, đau đớn nhưng ngay khi nhìn thấy con có thể “tập đi” bằng đôi chân không còn lành lặn, tôi cảm thấy trong lòng như trút đi một phần gánh nặng”.

Gia đình vẫn đoàn tụ

Dù khó khăn trong việc đi lại nhưng Dương mong muốn sẽ được đơn vị đồng ý để anh có thể về lại nơi chiếc máy bay gặp nạn năm trước, thắp nén nhang cho những đồng đội đã trở về nơi đất mẹ… Mong là vậy nhưng sức khỏe chưa cho phép, mẹ anh, bà Đông, sẽ thay con lên Thạch Thất thắp nén hương cho các đồng đội của con trai đã không may mắn như con trai bà.

Hai ngày sau vụ tai nạn, Dương trong tình trạng “9 phần chết 1 phần sống” thì vợ anh sinh con trai. Lại thêm một điều kỳ diệu của cuộc sống, sự có mặt của đứa con tiếp thêm cho Dương sức mạnh để anh tiếp tục chiến đấu. Phải sống, cho mình, cho gia đình và cho con. Có đến cả triệu lần Dương nghĩ như thế. Anh không thể quên được mỗi lần gia đình các đồng đội đã hy sinh đến viện thăm anh, các con của đồng đội đều gọi anh là bố.

Mơ ước bình dị của người chiến sĩ giờ đây là sức khỏe dần ổn định, trở về với cuộc sống thường ngày có gia đình ở bên. Dù cơ hội được trở về với công việc không còn nhưng anh vẫn mong sự có mặt của mình trên cuộc đời này sẽ là chỗ dựa cho gia đình bé nhỏ.

Sau vụ tai nạn, thượng úy Đinh Văn Dương phải trải qua 17 lần phẫu thuật, tháo bỏ 2 khớp gối, 10 đầu ngón tay và phần da bị bỏng nặng tạm thời được ghép từ da đồng loại và màng sinh học. Các cuộc phẫu thuật thời gian tới còn tiếp tục giúp anh hoàn thiện cơ thể.

Theo Lao Động