Để không còn bức xúc, hoài nghi về… giá điện

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:46, 07/07/2015

(HNM) - Trong những ngày vừa qua có một vấn đề thời sự được người dân và giới chuyên gia bàn tán nhiều. Đó là chuyện tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông uốn lượn, mấp mô là để… tối ưu hóa trong vận hành và khai thác. Ngày 6-7, một nhà khoa học đăng đàn, trả lời phỏng vấn báo chí cho rằng, chuyện đó là hoàn toàn bình thường, không riêng gì công nghệ của Trung Quốc mà nước nào trên thế giới cũng làm như vậy để tận dụng tối đa việc tiết kiệm năng lượng…

Xin không bàn tới sự đúng sai của những ý kiến trái chiều. Nhưng trong phần trả lời báo chí của nhà khoa học nêu trên có một khía cạnh rất đáng chú ý, đó là những căn cứ khoa học dẫn đến việc thiết kế tuyến đường sắt đô thị… uốn lượn, mấp mô đã không được người có trách nhiệm giải thích đầy đủ nên gây ra mối hoài nghi trong dư luận.

Lại nêu một câu chuyện khác, ở một lĩnh vực khác. Đó là giá điện - chính xác là giá tiền điện mà hầu hết các hộ gia đình trên đất nước này hằng tháng đang phải "mua", phải "trả" cho ngành chức năng. Tính ra, từ đầu hè tới giờ, có 2 đợt nắng nóng, do đó tiền điện phải trả trong tháng 5, tháng 6 có tăng cao bất thường so với thời gian trước đó cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng người dân vẫn bức xúc, nghi ngờ. Đặc biệt, như thông báo của cơ quan dự báo thời tiết, riêng trong tháng 7 này sẽ còn 3-4 đợt nắng nóng nữa, vậy nên tiền điện phải đóng chắc sẽ vẫn tăng. Và chắc chắn người dân lại sẽ còn bức xúc, nghi ngờ.

Xét cho cùng, dùng nhiều hay mua nhiều thì phải trả tiền nhiều là lẽ đương nhiên. Nhưng thế nào cho hợp lý lại là lẽ khác và vấn đề ở đây là thiếu sự công khai, minh bạch nên có không ít ý kiến, bàn tán vào ra về giá điện.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) đặt câu hỏi: "Giá cả các mặt hàng thiết yếu ở Việt Nam đã theo thị trường nhưng có một ngành rất lạ là giá chỉ có tăng mà không giảm đó là ngành điện, giá điện luôn có điệp khúc tăng và cứ tăng mãi, ngay từ khi khai sinh ngành điện đến nay". Tất nhiên, Bộ trưởng đã trả lời, song dường như dư luận vẫn chưa thông, chưa đồng tình với cách lý giải của người có trách nhiệm vì suy cho cùng nhiều căn cứ lập luận, phản biện chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Cụ thể, theo TS Nguyễn Ngọc Hưng (Viện Năng lượng - Bộ Công thương), mức độ cạnh tranh của thị trường điện Việt Nam rất thấp; Tập đoàn điện lực Việt Nam - EVN - đang độc quyền, ôm tất cả các khâu từ sản xuất, truyền tải đến bán lẻ tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh. TS Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thì cho rằng: Bộ Công thương vừa quản lý vừa làm chính sách và lại là chủ sở hữu, điều hành EVN. Phần mình, EVN vừa sản xuất, phân phối và bán lẻ. Đây là những thách thức cải cách rất lớn vì muốn thay đổi thì phải thay đổi cấu trúc quyền lực và quyền lợi. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, giá điện ở Việt Nam không minh bạch. EVN luôn lấy số liệu so sánh đầu ra với các nước trong khu vực để dẫn chứng giá điện trong nước rẻ, trong khi đó chi phí đầu vào của giá điện rất thấp. Ví dụ Malaysia, Singapore là những nước sản xuất điện bằng dầu, giá cũng chỉ có 7 cent/kWh nhưng ở Việt Nam, thủy điện chiếm 40% nguồn phát điện giá rẻ nhưng giá điện lại xấp xỉ với các nước…

Đúng là chuyện không mới, nhưng chưa bao giờ cũ cũng bởi tới giờ vẫn chưa có những lý giải thỏa đáng vì còn nhiều chuyện người dân không được biết cặn kẽ, không được bàn luận và hằng ngày, hằng giờ vẫn buộc phải sử dụng (tức là buộc phải mua điện) mà không có sự lựa chọn nào khác. Nói vậy để thấy trong từng câu chuyện, từng vấn đề, sự công khai minh bạch là rất cần thiết, và như các cụ xưa đã dạy, "nói phải củ cải cũng nghe", nếu đã hợp tình, hợp lý thì không có lý do gì khiến dư luận và người dân không đồng tình ủng hộ. Chắc khi nào EVN không còn là một ngành… rất lạ ở Việt Nam thì dư luận không còn băn khoăn về giá điện?

Hoàng Thu Vân