Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp: Sản phẩm ít, hiệu quả
Công nghệ - Ngày đăng : 07:29, 06/07/2015
Thiếu vắng vai trò doanh nghiệp
Theo Bộ NN&PTNT, sau gần 10 năm (từ năm 2006 đến 2014), chương trình CNSH nông nghiệp - thủy sản đã và đang triển khai 214 nhiệm vụ khoa học - công nghệ với tổng kinh phí là hơn 551 tỷ đồng. Trong lĩnh vực nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả như: Ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử và chọn tạo được các giống lúa mang gen thơm, kháng sâu bệnh, chịu hạn; giống ngô lai đơn chịu hạn; giống cam quýt; giống hoa và nhiều dòng giống cây trồng triển vọng đang gửi khảo nghiệm để tiến tới công nhận giống.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, chương trình đang triển khai các đề tài nghiên cứu cơ bản về xác định sự sai khác di truyền của các giống lợn nội, gà nội, bò địa phương, chọn lọc lợn giống thuần chủng đạt năng suất và chất lượng thịt cao. Ngoài ra, giai đoạn 2008-2015, chương trình đã thực hiện được 29 nhiệm vụ liên quan chọn giống thủy sản cho các đối tượng nuôi chủ lực như tôm, cá tra… Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, các chương trình nghiên cứu CNSH nông nghiệp ở nước ta vẫn nặng về tài trợ của Nhà nước chứ chưa có sự vào cuộc của doanh nghiệp.
Ảnh Internet |
Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Thanh Thủy, các sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn của các loại giống cây trồng mới chưa cao. Đối với các lĩnh vực như chăn nuôi thú y, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây trồng biến đổi gen chưa có nhiều kết quả trên đồng ruộng.
Các đối tượng cây trồng quan trọng như ngô, đậu tương, lĩnh vực chăn nuôi thú y, lâm nghiệp, thức ăn, phòng trị bệnh, quản lý, xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, công nghệ sau thu hoạch, chế biến và vệ sinh an toàn thực phẩm còn ít. Chưa có nhiều dự án sản xuất thử nghiệm để phát triển các sản phẩm thành hàng hóa ở quy mô công nghiệp. Nhà nước đã có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhưng chính sách đổi mới lại khó áp dụng vào thực tiễn, chưa hấp dẫn được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Trong khi đó, công tác chuyển giao và tiếp nhận công nghệ tiên tiến từ nước ngoài hầu như chưa thực hiện được do còn lúng túng trong việc thực hiện Luật Chuyển giao công nghệ và e ngại trong đánh giá và thẩm định công nghệ. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để sản xuất ra hàng hóa phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu mới dừng lại ở mô hình thử nghiệm chứ chưa sản xuất đại trà.
Đầu tư, nghiên cứu có trọng điểm
PGS.TS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam cho biết, để việc ứng dụng CNSH vào nông nghiệp đạt hiệu quả, thời gian tới nhà nước cần tập trung nghiên cứu, đầu tư trọng điểm vào một số cây trồng chủ lực của Việt Nam như lúa, ngô, khoai, sắn, rau màu bằng ứng dụng công nghệ chọn giống phân tử kết hợp với phương pháp chọn giống truyền thống để chọn tạo ra các giống cây trồng mang các gen chống chịu sâu bệnh, có năng suất, chất lượng và thích ứng được với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, cần phát triển mạnh mẽ hợp tác quốc tế trong CNSH để tiếp cận và tận dụng hiệu quả những thành tựu mới nhất của thế giới vào Việt Nam; xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu đầu ngành cho các lĩnh vực sinh học phân tử, sinh lý thực vật, hóa sinh, khoa học thổ nhưỡng, di truyền chọn giống và di truyền học. Các đơn vị nghiên cứu công lập cũng cần phối hợp chặt chẽ với các công ty giống để đẩy nhanh tiến độ triển khai, mở rộng các giống cây trồng cải tiến vào thực tiễn...
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, để chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 vừa được Chính phủ phê duyệt phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống, cần khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế và địa phương. Do đó, cần sớm xây dựng chính sách hỗ trợ sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm hàng hóa chủ lực của CNSH và trình Chính phủ phê duyệt, trong đó ưu tiên chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và sản phẩm mới từ nước ngoài. Ngoài ra, cần đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho nghiên cứu hiện đại, đặc biệt là các phòng thí nghiệm, một số dây chuyền sản xuất các sản phẩm CNSH ở quy mô công nghiệp...