Đẩy lùi Mers, phục hồi kinh tế

Thế giới - Ngày đăng : 06:25, 06/07/2015

(HNM) - Với quyết tâm phục hồi nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của dịch bệnh Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS), tuần qua chính phủ của Tổng thống Park Geun-hye và các nghị sĩ của đảng cầm quyền Saenuri trong Quốc hội đã nhất trí tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 15.000 tỷ won (13,5 tỷ USD).

Gói kích thích này sẽ được trình lên Quốc hội vào ngày 6-7, trước khi thông qua trong phiên họp ngày 20-7. Đây sẽ là khoản ngân sách bổ sung thứ hai kể từ khi Tổng thống P.Geun-hye nhậm chức hồi tháng 2-2013.

Du lịch Hàn Quốc chịu ảnh hưởng nặng nhất từ dịch MERS.



Quyết định trên được chính phủ Hàn Quốc đưa ra vào thời điểm Bộ Tài chính nước này có nhận định không mấy lạc quan về tăng trưởng của kinh tế xứ Kim chi năm 2015. Trước những tác động tiêu cực bất ngờ do MERS gây ra, Bộ Tài chính Hàn Quốc dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ ở mức 3,1%, thấp hơn mức 3,8% được dự báo trước đó. Đây là mức tăng được xem là khá khiêm tốn, năm ngoái nền kinh tế lớn thứ tư của Châu Á đã tăng ở mức 3,3%. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Hàn Quốc cũng hạ dự báo lạm phát xuống 0,7%.

Đáng quan ngại hơn khi số liệu thống kê của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) vừa công bố cho thấy, chỉ số niềm tin tiêu dùng trong tháng 6 đã rớt xuống 99 điểm, giảm 6 điểm so với tháng trước, là mức thấp nhất kể từ tháng 12-2012. Ở Hàn Quốc, đây là đánh giá của người tiêu dùng về tình hình kinh tế đất nước. Con số này ở mức trên 100 điểm được cho là lạc quan và ngược lại khi ở dưới 100 điểm. Niềm tin tiêu dùng của người dân Hàn Quốc giảm mạnh khi dịch bệnh MERS bùng phát (tháng 5 vừa qua). Lo ngại loại dịch bệnh lây lan nên người dân nước này đã hạn chế các hoạt động cộng đồng, giải trí và mua sắm... Vì thế, doanh thu tại các siêu thị đã giảm 30% trong hai tuần đầu tháng 6 và hơn 120.000 du khách quốc tế đã hủy "tour" tới xứ Hàn.

Cùng những tín hiệu không mấy lạc quan của nền kinh tế, thông báo mới đây từ Seoul cũng cho thấy xuất khẩu của nước này tiếp tục sụt giảm trong tháng 6, mặc dù mức thặng dư thương mại vẫn tăng do nhập khẩu giảm nhanh hơn xuất khẩu. Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, tổng giá trị xuất khẩu của xứ Kim chi trong tháng 6 vừa qua chỉ đạt 46,95 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ sáu liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận sự sụt giảm xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước và tháng 5 vừa qua xuất khẩu nước này đã giảm 10,9% so với một năm trước đó - xuống còn 42,39 tỷ USD. Sụt giảm xuất khẩu của Hàn Quốc có nguyên nhân từ việc giá dầu toàn cầu vẫn ở mức thấp làm giảm giá các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của xứ Kim chi như xăng, dầu diesel và sản phẩm hóa dầu. Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc, sự phục hồi chậm của nền kinh tế toàn cầu cùng xu hướng giảm giá của đồng yên (Nhật Bản ) và đồng euro (Liên minh Châu Âu) cũng là nhân tố rủi ro đối với kinh tế nước này. Và đây chính là rào cản đối với sự phục hồi xuất khẩu - lĩnh vực chủ chốt của kinh tế Hàn Quốc. Dự báo xuất khẩu của nước này sẽ giảm 1,5% trong năm nay.

Trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với không ít thách thức, việc chính phủ Hàn Quốc nhất trí thông qua gói kích thích kinh tế là hết sức cần thiết nhằm đối phó với tác động của MERS, đặc biệt với ngành du lịch. Gói kích thích mới sẽ huy động từ những khoản tiền chưa sử dụng của ngân sách năm 2014 và phát hành trái phiếu chính phủ ở mức thấp nhất nhằm khoanh vùng và khống chế MERS thông qua hỗ trợ các bệnh viện. Đồng thời, gói kích thích cũng sẽ giúp nông dân đối phó với tình trạng hạn hán được cho là tồi tệ nhất trong nhiều năm qua ở Hàn Quốc sẽ làm giảm sản lượng nông nghiệp, tăng giá lương thực và nhiều mặt hàng tiêu dùng. Ngoài gói kích thích kinh tế mới, chính phủ Hàn Quốc cũng dự kiến huy động thêm nguồn tài chính cho một số địa phương "trọng điểm" trước nguy cơ MERS có thể lan rộng và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Đình Hiệp