Ưu điểm có, hạn chế có
Giáo dục - Ngày đăng : 07:29, 05/07/2015
Kỳ thi năm nay có 1,005 triệu thí sinh đăng ký, trong đó 29% đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp và 72% sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định những con số trên cho thấy hiệu quả của việc phân luồng học sinh, giảm chi phí do hồ sơ ảo. Lãnh đạo Bộ cũng đánh giá, với việc ra đề thi theo hướng tăng cường đề thi mở, các câu hỏi nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, các vấn đề thời sự của đất nước; hạn chế việc ra các câu hỏi yêu cầu học sinh phải nhớ máy móc các con số và sự kiện, việc luyện thi tràn lan như những năm trước đây đã giảm rõ rệt. Đề thi đã tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh.
Theo Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Mai Văn Trinh, kỳ thi được tổ chức theo hướng lấy thi cử làm khâu đột phá để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Đề thi được bảo mật tuyệt đối, nội dung bám sát chương trình lớp 12, theo định hướng đánh giá năng lực, đáp ứng được 2 mục đích: Xét tốt nghiệp và xét vào ĐH, CĐ. Đề thi được chuẩn bị công phu trên cơ sở xây dựng ma trận đề, có sự góp ý sau khi công bố đề minh họa. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo, các phóng viên đã phản ánh băn khoăn của dư luận khi so sánh mức độ nghiêm túc trong coi thi của 2 loại cụm do các trường ĐH chủ trì và cụm do các Sở GD-ĐT chủ trì. Số lượng thí sinh bị xử lý kỷ luật chủ yếu đều thuộc các cụm thi do trường ĐH chủ trì. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu có phải các Sở buông lỏng giám sát hay do thí sinh thuộc các cụm kia thiếu sự nghiêm túc? Ông Mai Văn Trinh cho rằng: Việc coi thi ở cả 2 loại cụm thi đều được thực hiện theo cùng quy trình, quy chế, đều có sự tham gia của cán bộ, giảng viên của trường ĐH và các Sở, không có sự phân biệt. Về số lượng thí sinh tại các cụm ĐH nhiều áp đảo, lý do đây là các cụm dành cho thí sinh có mục đích vào ĐH, CĐ nên áp lực được điểm cao lớn hơn. Vì thế, vi phạm cũng nhiều hơn.
Về một vài trường hợp đơn lẻ gây thắc mắc, trong đó có việc một thí sinh bỏ sót buổi thi vì nhầm lịch được Hội đồng thi sắp xếp thi môn khác thay thế, liệu điều này có đúng với quy chế thi, ông Mai Văn Trinh giải thích: "Thí sinh thi chỉ với mục đích xét tốt nghiệp nên chúng tôi đã động viên các cụm thi cho phép đăng ký thi môn khác. Đây là việc làm mang tính nhân văn, đề nghị được ủng hộ".
Sẽ tiếp tục điều chỉnh cho tốt hơn
Kỳ thi năm nay đã diễn ra trong điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt nên có nhiều ý kiến cho rằng sẽ hợp lý hơn nếu đẩy thời điểm thi lên tháng 6. Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ cho biết, Bộ đã cân nhắc, song tháng 6 là lúc sinh viên các trường ĐH còn chưa thi xong, ký túc xá chưa được giải phóng. Phần lớn thí sinh lại thi tại các cụm ĐH chủ trì. Hơn nữa, nếu thi vào tháng 6 thì thí sinh bị hụt mất thời gian ôn thi. Do đó, thời điểm thi vẫn được chọn vào tháng 7. Tuy nhiên, việc thay đổi lịch thi sẽ được Bộ bàn bạc với các địa phương.
Nhiều phóng viên đã nêu ra một số bất cập ghi nhận từ các Hội đồng thi. Theo thống kê của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chỉ có 1% thí sinh đồng thời chọn thi cả hai môn lịch sử và địa lý, hoặc đồng thời thi cả hai môn vật lý và hóa học. Có điểm thi chỉ có 1 thí sinh đi thi. Đại diện Hội đồng thi Trường ĐH Bách khoa đề xuất phương án ghép 2 môn thi vào một buổi để giảm thời gian và chi phí. Trước đề xuất này, lãnh đạo Bộ cho biết, việc ghép hai môn thi vào một buổi để giảm thời gian và chi phí là việc làm không mới, đã thực hiện ở kỳ thi tốt nghiệp năm trước. Tuy nhiên, thi trong thời gian ngắn thì mới ghép được, thời gian của môn thi dài như đợt thi này mà ghép sẽ không thuận lợi cho thí sinh. Có thể dồn các thí sinh thi các môn nói trên tập trung vào một số điểm thi nhất định, song Bộ không thực hiện điều này, các trường đã giành khó khăn về mình, để thuận lợi cho thí sinh .
Đề thi năm nay vẫn là vấn đề nóng, đặc biệt với nhiệm vụ "2 trong 1". Ông Mai Văn Trinh cho biết: Hiện có nhiều cách tiếp cận. Bước đầu, tôi cho rằng căn bản đề thi năm nay không thể so sánh đề tốt nghiệp và đề thi tuyển sinh năm 2014 và những năm trước đó, bởi mục đích của các đề thi này khác nhau, và chúng được đặt trong các hệ quy chiếu khác nhau. Việc đánh giá sẽ rõ ràng, khoa học hơn khi có phổ điểm. Về việc dùng công nghệ cao đọc lời giải vào phòng thi, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, đang bám sát thông tin, sau khi có kết luận điều tra của cơ quan công an sẽ xử lý theo quy chế, nếu đủ căn cứ sẽ xử lý hình sự. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, kỳ thi này là lần thay đổi lớn, căn bản. Ưu điểm có, hạn chế có, nên sẽ tiếp tục điều chỉnh cho tốt hơn.
Nghi vấn có vi phạm (HNM) - Bộ GD-ĐT cho biết, thông tin lộ đề thi môn tiếng Anh trên một tài khoản facebook đang được Bộ GD-ĐT và Bộ Công an phối hợp điều tra, xác minh. Theo thông tin ban đầu, tài khoản facebook này được lập từ năm 2013 và đã bị hack, từ đó tới nay mới được cập nhật, đăng tải thông tin 4 lần. Việc bày 4-5 đề thi để chụp ảnh như đã đăng tải là rất khó xảy ra trên thực tế. Vào 22h ngày 3-7, trên facebook cũng xuất hiện thông tin về đề thi môn lịch sử. Bộ GD-ĐT đã kiểm tra và xác nhận đó không phải đề thi thật. Thúy Quỳnh - Thành Tâm |