Nhạc sĩ An Thuyên đột ngột qua đời

Văn hóa - Ngày đăng : 19:42, 03/07/2015

(HNMO) – Làng âm nhạc Việt Nam lại thêm tin buồn khi nhạc sĩ An Thuyên đột ngột qua đời vào chiều nay (3-7) do nhồi máu cơ tim.

Nhạc sĩ An Thuyên đột ngột qua đời


Chỉ vài ngày sau khi làng âm nhạc Việt Nam đau buồn nói lời vĩnh biệt với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điều và nhạc sĩ Phan Nhân thì vào chiều nay (3-7), thông tin nhạc sĩ An Thuyên đột ngột qua đời khiến cho Hội nhạc sĩ Việt Nam và những người yêu âm nhạc không khỏi “sốc”.

Theo người nhà của nhạc sĩ An Thuyên, ông qua đời vì đột ngột bị nhồi máu cơ tim cấp. Được biêt, khi đang trên đường đến nơi làm việc thì ông bất ngờ đau ngực. Sau đó, nhạc sĩ đã gọi con gái là ca sĩ Bông Mai (nhóm Con gái) đến đưa vào bệnh viện Quân y 108. Tuy nhiên, nhạc sĩ đã không qua được cơn nguy kịch và qua đời đột ngột. Sự việc khiến gia đình nhạc sĩ vô cùng “sốc”.

Ông là nguyên hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội


Sự ra đi của nhạc sĩ An Thuyên là mất mát rất lớn với nền âm nhạc Việt Nam bởi ông là người đang có nhiều cống hiến cho âm nhạc. Nhạc sĩ đã sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng như: “Em chọn lối này", "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác", "Hành quân lên Tây Bắc", "Khi xe tăng qua miền Quan họ", "Thơ tình của núi", "Chín bậc tình yêu", "Huế thương", "Neo đậu bến quê", "Mẹ Việt Nam anh hùng", "Ca dao em và tôi"...

Như vậy, chỉ trong 1 tuần, làng âm nhạc Việt Nam đã liên tiếp đón tin buồn khi phải nói lời vĩnh biệt những nhạc sĩ gạo cội.

Nhạc sĩ An Thuyên sinh ngày 15 tháng 8 năm 1949 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Ông công tác ở Ty Văn hoá Nghệ An từ năm 1967 và đã được trực tiếp tham gia công tác sưu tầm nghiên cứu dân ca dưới sự chỉ đạo của các lãnh đạo ngành lúc đó là Trần Nguyên Trinh - Trưởng Ty Văn hóa Nghệ An; Nguyễn Trung Phong, nhnà viết kịch, Phó trưởng ty; Nhà thơ Trần Hữu Thung - Chủ tịch Hội Văn nghệ Nghệ An.

Ông cùng với đoàn nhạc sĩ ở Viện nghiên cứu âm nhạc gồm nhạc sĩ Đào Việt Hưng, nhạc sĩ Hồ Thoa đã đi sưu tầm dân ca Nghệ Tĩnh theo dải sông Lam từ Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên về Cửa Hội, qua Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành về Nghi Lộc. 5 năm sưu tầm với hàng trăm cuốn băng tự tạo đã thu được hàng trăm bài hát giá trị của các nghệ nhân trong toàn tỉnh.

Năm 1975, ông vào bộ đội, phải bàn giao lại toàn bộ số băng sưu tầm đó. Đoàn Dân ca Nghệ An lúc đó có sử dụng khai thác một số làn điệu phổ biến. Năm 1977, công tác ở Đoàn Văn công Quân khu IV. Từ năm 1981 đến năm 1988, ông được cử đi học ở Nhạc Viện Hà Nội, môn Sáng tác âm nhạc bậc đại học.

Sau khi tốt nghiệp, năm 1988 ông về Phòng Văn nghệ Quân đội và đến tháng 8 năm 1992, ông về công tác ở Trường Nghệ thuật Quân đội.

Hoàng Lân