Đi tìm nguồn gốc hơn trăm bộ hài cốt trên đường Tây Sơn
Đời sống - Ngày đăng : 16:20, 03/07/2015
Gần 200 bộ hài cốt được khai quật và cải táng. |
Khi phát hiện những bộ hài cốt này, công nhân đã báo cáo Ban lãnh đạo Xí nghiệp thoát nước số 4 và chính quyền sở tại. Ngay sau đó, UBND TP Hà Nội đã cử Ban lễ tang TP xuống hiện trường xem xét và khai quật những bộ hài cốt này lên và tiến hành cải táng lại rồi đưa lên nghĩa trang Yên Kỳ (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội).
Hiện tại, vị trí đào mương ngay trước trường Đại học Công Đoàn, công trường rộng khoảng 5 m, kéo dài 20m. Những bộ hài cốt đã được các công nhân thay tiểu cũ bằng tiểu mới, xếp gọn cẩn thận. Nhiều tiểu vẫn còn nguyên xương người, có bộ còn nguyên hộp sọ.
Tiến sĩ Vũ Khế Khanh - TGĐ Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) cho rằng, nếu mở rộng vùng tìm kiếm, rất có thể sẽ tìm thấy thêm những bộ hài cốt khác. Đây là khu vực trọng điểm trong chiến thắng Kỷ Dậu của vua Quang Trung, sát với gò Đống Đa nên chuyện phát hiện ra hài cốt tập thể không phải là chuyện lạ. Ngày ấy, xác quân địch chất thành từng đống, từng gò. Qua năm tháng, cùng với sự phát triển của thành phố thì những bộ hài cốt đó cứ được lấp dần. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn phát hiện ra mộ tập thể là vậy.
Lý giải cho vụ việc trên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Quang Trung, nơi phát hiện các bộ hài cốt nói riêng và quanh khu vực gò Đống Đa trước đây là cánh đồng nhiều ao chuôm. Thời Pháp thuộc, nơi đây là khu nghĩa trang tự phát để chôn cất hài cốt phát hiện trong quá trình xây dựng nhà cửa trong nội thành và cũng là nơi tập kết hài cốt từ các nghĩa trang nhỏ lẻ trong nội thành. Tuy nhiên, những năm kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, bon đạn đã san phẳng khu này khiến những ngôi mộ này bị lãng quên.
Bên trong nhiều chiếc tiểu bị đào lên đã không còn hài cốt |
Sử liệu còn ghi, Hà Nội xưa có nghĩa trang Hợp Thiện và Phúc Thiện vị trí nằm ở khu vực công viên Thủ Lệ và khu Kim Ngưu bây giờ. Ngoài ra trước đây có vài nghĩa trang nhỏ như ở trường 10 - 10 cũ trên đường Quán Thánh và chợ 19 - 12 xưa có nguồn gốc để chôn cất hài cốt lính Pháp. Sau 1946, những nghĩa trang này cũng quy tập hài cốt Vệ Quốc Đoàn và đồng bào. Hơn nữa, ở trong khu vực phố Gia Ngư - ngõ Trung Yên liên khu 1 trước đây cũng có tài liệu là khu vực quy tập hài cốt Vệ Quốc Đoàn và đồng bào. Khu vực gò Đống Đa vào thời điểm đó là cánh đồng nhiều ao chuôm rất có thể là địa điểm di dời của các nghĩa trang trong nội thành ra.
Cụ Nguyễn Bá Trình (83 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) cũng kể lại, khu vực gò Đống Đa ngày trước nằm ngoài thành Thăng Long. Trước năm 1945, nơi đây vẫn là cánh đồng không có người ở và có rất nhiều ngôi mộ nằm rải rác. Cũng chính khu vực phát hiện hài cốt là một nghĩa trang vô danh, toàn bộ mồ mả trong nội thành được người dân phát hiện trong quá trình xây dựng nhà cửa đều mang về đâu cải táng. Do là mộ vô danh nên không có người chăm sóc, hương khói nên khi bị mất mồ cũng chẳng ai quan tâm.
Theo những người bán bia mộ trên phố Hàng Mắm, những tiểu sành nafycos từ những năm 40 đến 60 của thế kỷ trước. |
Khi chúng tôi mang hình ảnh những chiếc tiểu vừa được đào lên đến phố Hàng Mắm (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi kinh doanh mặt hàng bia mộ, tiểu sành thì nhận được câu trả lời đồng nhất, tiểu này có từ những năm 40 đến 60 của thế kỷ trước, giờ không còn sản xuất. Xem kỹ bức ảnh, ông Nam Long (cửa hành kinh doanh tiểu quách số 19 Hàng Mắm khẳng định, mặt hàng này hiện không còn sản xuất. Đặc điểm là chữ “Phúc” ở đầu chiếc tiểu hiện đã cách tân mấy lần rồi cho đẹp hơn và có hoa văn trang trí chứ không đơn điệu như hình trên chiếc tiểu vừa được đào lên.
Nằm ở vị trí sát gò Đống Đa nên có nguồn tin cho rằng, các bộ hài cốt này có thể là của quân Nhà Thanh thua trận Đống Đa. Tuy nhiên, giải thiết này khó thuyết phục vì trận chiến đã xảy ra hơn 200 năm, xương cốt lính nhà Thanh đã mục nát và không thể nào được cải táng trong tiểu như vậy.