Nhiều ngân hàng cam kết bảo lãnh cho người mua nhà

Bất động sản - Ngày đăng : 15:36, 03/07/2015

(HNMO) - Dù chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện, nhưng từ ngày 1-7, một số nhà kinh doanh bất động sản ở TP Hồ Chí Minh đã cùng các ngân hàng cam kết bảo lãnh nhà ở cho người mua nhà theo khoản 1 Điều 56 Luật kinh doanh Bất động sản 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2015).


Điều 56 trong Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 quy định chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính. Trong trường hợp nếu chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng thì ngân hàng đứng ra hoàn trả tiền khách hàng đã đóng.

Người mua nhà hình thành trong tương lai yên tâm nhờ có ngân hàng bảo lãnh.


Ông Nguyễn Đình Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoReA), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (Hung Thinh Corp) cho rằng quy định bảo lãnh không chỉ bảo vệ tuyệt đối quyền lợi cho người mua nhà mà còn góp phần tăng thêm niềm tin đối với khách hàng và các nhà đầu tư. Hiện Hung Thinh Corp đã có 5 ngân hàng tham gia ký kết hợp tác bảo lãnh cho các dự án của Hưng Thịnh là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Nhiều công ty kinh doanh bất động sản khác cũng đã cùng các ngân hàng cam kết bảo lãnh cho người mua nhà như Tập đoàn Novaland ký kết với ngân hàng VPBank cam kết bảo lãnh cho người mua nhà đối với 4 dự án mà tập đoàn này đang triển khai là The Sun Avenue (quận 2), The Tresor (quận 4), River Gate (quận 4) và Lucky Palace (quận 6). Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) bảo lãnh cho các dự án của Công ty Khang Điền…

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho rằng, trên thế giới chỉ có Việt Nam mới có khái niệm nhà ở hình thành trong tương lai, vì vậy phải có quy định chặt chẽ để bảo vệ người mua, tránh rủi ro với hiện tượng bán nhà trên giấy xảy ra thời gian qua. Bảo lãnh là bảo lãnh tài chính cho người mua nhà chứ không phải bảo lãnh dự án. Đây là quy định tích cực, không thể coi là siết hay bóp chặt doanh nghiệp bất động sản.

Đại diện của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết Thông tư hướng dẫn bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai đã được dự thảo lần thứ 7 và sắp ban hành để các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng thực hiện việc bảo lãnh cho người mua nhà hình thành trong tương lai.

Đặng Loan