Gồng mình chống hạn vụ mùa
Xã hội - Ngày đăng : 06:20, 03/07/2015
Tuy nhiên, tại nhiều huyện phía bắc thành phố, do thời tiết nắng nóng, nước bốc hơi nhanh, cộng với mực nước Sông Hồng xuống thấp, nên nước phục vụ đổ ải cấy lúa mùa và tưới dưỡng cho lúa đang hết sức khan hiếm.
Tiến độ cấy ở huyện Thạch Thất bị chậm do thiếu nguồn nước tưới. Ảnh: Lê Tuấn |
Sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Phúc Thọ là địa phương có tập quán cấy sớm nhưng đến thời điểm này mới cấy được 71% diện tích (tương đương 2.800ha); diện tích chưa cấy là 1.150ha, trong đó có 811ha đang thiếu nước nghiêm trọng. Đặc biệt, tại các xã Tích Giang, Võng Xuyên, thị trấn Phúc Thọ, Long Xuyên, Phụng Thượng… mỗi nơi đang có 100-130ha khó khăn về nước tưới. Bà Hoàng Thị Tuyết, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, cần lắp các trạm bơm dã chiến để khẩn cấp bơm nước chống hạn cứu lúa, cũng như có nước để các diện tích chưa cấy sẽ cấy sớm trong khung thời vụ.
Không riêng gì Phúc Thọ, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, đến hết ngày 29-6, toàn huyện mới cấy được 62% diện tích. Tiến độ cấy chậm do nguồn nước tưới không có. Với thời tiết nắng nóng như thế này, nếu không có nước tưới dưỡng, lúa sẽ rất dễ bị chết.
Theo ông Đặng Tuấn Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích, trong khi vụ mùa các năm thường phải chống úng thì năm nay, các trạm bơm của Công ty lại đang oằn mình lo... chống hạn. Mực nước Sông Hồng đạt mức thiết kế 5,2m là cao nhất vào cuối vụ xuân vừa qua và thấp nhất là cách đây khoảng 15 ngày (mực nước là 3,85m), không thể bơm được. May mắn, sau khi có mưa nhờ ảnh hưởng của cơn bão số 1, lượng mưa ở các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai được tăng cường giúp bà con đẩy mạnh làm đất cấy lúa mùa. Ngày 1-7, mực nước Sông Hồng đã tăng lên 4,7- 4,8m. Công ty đang cho công nhân vận hành 1 máy trong trạm bơm chính và nếu nước cao thêm một chút nữa thì sẽ cho vận hành 2 máy ở trạm bơm chính. Từ ngày 30-6, Công ty đã tập trung về trạm đầu mối hơn 60 cán bộ công nhân để lắp đặt trạm bơm dã chiến, đến ngày 1-7 đã lắp được 15/21 tổ máy. Nếu mực nước Sông Hồng vẫn giữ được 4,8m thì chạy được 2 máy ở trạm bơm chính và 21 máy ở trạm bơm dã chiến. Có vậy, mới có thể bảo đảm nước trên kênh Phù Sa cho cấy và dưỡng lúa mùa.
Sử dụng nước tiết kiệm
Mặc dù đang rất thiếu nước phục vụ sản xuất, tuy nhiên ở các huyện Thạch Thất và Phúc Thọ, bà con nông dân chưa sử dụng nước tưới tiết kiệm. Khi lấy nước ở ruộng cao xong, hầu hết các hộ không dặm bờ. Vì vậy, chỉ sau 1-2 ngày là nước trong ruộng lại rút hết. Hiện tại, một số vùng, ruộng mới cấy đã bắt đầu nẻ nhưng ruộng dưới vẫn đang còn nước. Bà con nông dân cũng không ra kiểm tra đồng ruộng thường xuyên và vẫn còn tâm lý chờ nước do thủy nông bơm xuống.
Theo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích, nếu lắp máy bơm dã chiến thì cũng chỉ bảo đảm được 50% lượng nước so với yêu cầu. Do đó, Công ty sẽ điều tiết nước tưới theo từng vùng sản xuất. Các huyện cần chỉ đạo các xã thực hiện đúng theo lịch điều tiết nước của Công ty. Đối với khung thời vụ, các huyện Quốc Oai và Thạch Thất sẽ kết thúc vào 15-7 còn Phúc Thọ kết thúc sớm hơn vào 10-7. Công ty cam kết sẽ nỗ lực bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất cho các địa phương. Tuy nhiên, với mực nước thấp như vậy, Công ty cũng đề nghị thành phố và Sở NN&PTNT đặt thêm một số trạm bơm cục bộ, bơm dầu và bơm điện để lấy nước tại kênh...
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt, thiếu nước cho sản xuất trong vụ mùa là một hiện tượng bất thường bởi từ trước đến nay, việc chống hạn chỉ trong các vụ đông, xuân còn vụ mùa phải lo chống úng, chống lụt bão. Cũng chưa có năm nào việc cấy vụ mùa lại chậm như năm nay, đã bước sang tháng 7 nhưng các huyện phía bắc mới cấy được trên 50% diện tích. Từ nay đến cuối năm, thời tiết còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ngành NN&PTNT và các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống lụt bão, chống hạn...