Ngôi làng nhân ái

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:18, 03/07/2015

(HNM) - Từ những công dân đầu tiên - 6 em nhỏ là nạn nhân chất độc da cam - đến nay, Làng Hữu Nghị Việt Nam đã đón hơn 5.000 lượt cựu chiến binh và hơn 600 lượt cháu nhỏ về cưu mang, nuôi dưỡng.

Nơi chăm sóc đặc biệt

Nằm giữa xã Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội), ngôi làng nhỏ ấy được những tình nguyện viên dành cho cái tên thân thương là Làng Canh. 17 năm qua, đây là nơi chăm sóc những cựu chiến binh và con em họ, những người đang phải từng ngày vật lộn với di chứng chất độc da cam.

Một tiết học của lớp giáo dục đặc biệt ở Làng Hữu Nghị Việt Nam.


"Không may mắn, những em nhỏ ở đây đa phần đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Thêm vào đó, đa số xuất thân trong gia đình nghèo. Khi các em ở đây, các "mẹ" đã làm thay nhiệm vụ của cha mẹ đẻ để nuôi nấng, chăm sóc các em từ những cái nhỏ nhất..." - Đại tá Đinh Văn Tuyên, Giám đốc Làng Hữu Nghị Việt Nam bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Cũng giống ông Tuyên, Ban Giám đốc Làng đều là cựu chiến binh. Khi nghỉ hưu, tham gia sinh hoạt Hội Cựu chiến binh, thấy sức mình còn và đặc biệt là thấu hiểu sâu sắc những mất mát, đau thương của chiến tranh, họ muốn làm được điều gì đó cho đồng đội, cho con em họ. Họ tìm các cô giáo, các mẹ được đào tạo bài bản, tâm huyết với nghề để sẵn sàng tình nguyện gắn bó lâu dài với Làng. Cứ thế động viên nhau, người nào cũng vậy, mỗi ngày đi ít nhất từ 7 đến 10km, mưa cũng như nắng, đến với Làng, làm việc quên giờ giấc, với một thù lao không đáng kể. Hiện Làng thường xuyên điều dưỡng luân lưu trên dưới 200 người, bao gồm trẻ em khuyết tật và cựu chiến binh của 34 tỉnh, thành phố từ Quảng Nam ra các tỉnh phía Bắc. "Công dân" tới Làng đều được chăm sóc chu đáo, từ chữa trị bệnh tật đến phục hồi chức năng. Trẻ em khuyết tật được quan tâm giáo dục đặc biệt về thể chất và tinh thần, từng bước phát triển kỹ năng sống, học văn hóa và được dạy nghề hướng nghiệp để có thể hòa nhập cộng đồng.

Đại tá Đinh Văn Tuyên chia sẻ: "Làng Hữu Nghị đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, đặc biệt là sự giúp đỡ tận tình của tổ chức Cựu chiến binh các nước... Nhiều chuyên gia quốc tế về phục hồi chức năng, chuyên gia tâm lý, bác sĩ... đã tới làng làm việc với thời gian dài nhằm giúp những nạn nhân chất độc da cam/dioxin...".

Nhân lên hạnh phúc

Dẫn chúng tôi đến thăm các lớp học, giữa cái nắng như thiêu đốt của ngày hè oi ả, tiếng các em vẫn đồng thanh tập đọc "con chào mẹ ạ". Anh Bình, cán bộ tổ chức Làng nói với chúng tôi, câu nói tưởng chừng đơn giản nhưng với những em nhỏ ở đây có lẽ phải tập đến cả tháng trời. Các em có thể nhớ, nói đi nói lại câu ấy sau buổi học nhưng sáng hôm sau có thể chẳng nhớ gì.

Anh cho biết: "Trong số 120 em được nuôi trong Làng, có tới 2/3 bị thiểu năng trí tuệ, công việc chăm sóc đòi hỏi vô cùng kiên trì. Các em đều có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ là lao động nghèo nên nhiều em, cả năm gia đình chỉ lên đón về được 1 lần. Có em bị dị tật về hình thể, nhưng trí tuệ phát triển bình thường sẽ được học văn hóa, học nghề để sau này có thể quay trở lại cuộc sống xã hội một cách tương đối bình thường".

Tiết dạy của cô Nguyễn Thu Huyền ở lớp giáo dục đặc biệt hôm nay là âm nhạc. Cô và trò cùng tham gia đàn hát, tạo không khí sôi nổi cho các em. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội khoa Giáo dục đặc biệt, cô giáo Huyền gắn bó với Làng đến nay đã gần 10 năm. Cô Huyền tâm sự: "Mỗi lớp giáo dục đặc biệt như thế này có khoảng 13 em, từ 8 đến 20 tuổi, phân theo mức độ nhận thức. Có lớp riêng cho các em thiểu năng, lớp thêu, lớp làm hoa và lớp may. Công việc lao động là để góp phần giúp các em phục hồi chức năng, song cũng có khi giúp được cho các em khả năng lao động và một nghề để khi về quê, các em có thể kiếm sống ít nhiều".

Làng có năm ngôi nhà, mỗi nhà nuôi trên 20 cháu mà mỗi nhà chỉ có một "mẹ". Thế nhưng, điều đó lại cho tôi thấy rõ hơn tình yêu thương, sự kiên trì, nỗ lực của cán bộ, nhân viên mà các em gọi là "mẹ". Cô Nguyễn Thị Hiền, "mẹ" nhà T2 có 9 năm gắn bó với Làng. Cũng như bao người mẹ khác, từ sáng sớm mẹ Hiền dậy đánh thức các em, chỉ bảo và giúp các em vệ sinh cá nhân, dẫn các em đi ăn sáng rồi lên lớp học. Trong lúc các em lên lớp, các mẹ ở nhà dọn dẹp nhà cửa và nhiều công việc không tên khác như đổ bô, giặt màn, vệ sinh giường chiếu... Cô Hiền ngậm ngùi: "Mỗi đứa mỗi tính, phải nắm bắt và hiểu rõ từng con thì mới dạy dỗ và rèn các con cho tốt được. Cũng đã có đôi ba trường hợp các em tự sống được sau khi rời Làng, thậm chí còn lập gia đình nữa. Nhưng ít lắm, mỗi em một bệnh, có những đứa suốt đời không thể khỏi được, chỉ nghĩ thế thôi là không cầm được nước mắt...".

Làng thường xuyên được đón các đoàn khách đến thăm, nhất là các bạn tình nguyện viên quốc tế. "Các bạn trẻ đến từ nhiều nước khác nhau như: Anh, Pháp, Mỹ, Canada… họ cũng gọi tôi là mẹ. Họ giúp chúng tôi quét dọn, lau nhà, lau cửa, giặt đồ cho các con đều đặn hằng tuần. Nhìn họ ôm hôn những đứa trẻ, chơi đùa cùng chúng thấy vui lắm. Các con được tiếp xúc nhiều cũng mạnh dạn, hòa nhập hơn" - cô Hiền cho biết.

Làng Hữu Nghị Việt Nam là điểm đến của nhiều bạn bè trong và ngoài nước, trong đó có các cựu chiến binh Mỹ đã từng một thời tham chiến ở Việt Nam. Đại tá Đinh Văn Tuyên cho chúng tôi xem cuốn sách với tựa đề "Ký ức của một cựu chiến binh Mỹ". Tác giả, cựu chiến binh Mỹ James cùng vợ đến thăm và tặng Làng Hữu Nghị cuốn sách cùng toàn bộ tiền nhuận bút mà ông được trả. Cuốn sách kể về cựu chiến binh Mỹ James Jod bị nhiễm chất độc da cam khi tham chiến ở Việt Nam vào những năm 1960. Ông đã được các bác sĩ Việt Nam cứu chữa. Ông Tuyên kể: "Ông bà James đến thăm nơi ăn ở của các cháu khuyết tật đang được nuôi dưỡng tại Làng Hữu Nghị. Ông bà ôm hôn, hỏi han và vui chơi với các cháu. Rồi họ tới thăm các cựu chiến binh, ở đây giữa họ dường như không có sự hận thù mà thay vào đó là sự hữu nghị, đoàn kết và bao dung. Họ kể cho nhau biết bao câu chuyện trong chiến tranh, hỏi nhau về những địa danh mà họ từng chiến đấu đan xen cả niềm vui, nỗi buồn, sự đau thương và mất mát. Tất cả họ đều hướng tới một thế giới hòa bình, không có chiến tranh".

Với những thành tích đã đạt được trong suốt 17 năm qua, Làng Hữu Nghị Việt Nam đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp và "Giải thưởng phục hồi chức năng" của Liên đoàn CCB thế giới năm 2003. Nhưng quan trọng hơn tất thảy, họ đang làm một công việc ý nghĩa là nhân lên thật nhiều hạnh phúc cho những con người đang chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh.

Quỳnh Nguyên