Không chỉ là việc của một nhiệm kỳ

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:53, 03/07/2015

1. Hôm qua 2-7, Thành ủy Hà Nội tổ chức tổng kết Chương trình 04-CTr/TU về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015" (Chương trình 04).

Rất nhiều phần việc thực hiện trong 5 năm qua đã được các đại biểu nêu ra, trong đó "gói gọn" vào vấn đề phát triển văn hóa Thủ đô thực sự xứng tầm trung tâm văn hóa lớn, tiêu biểu, đi đầu cả nước theo hướng hiện đại, hội nhập với quốc tế, trên cơ sở kế thừa truyền thống nghìn năm văn hiến của Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình.

Rõ ràng, với nội dung, diện "phủ sóng" đầu việc rất lớn kể trên, Chương trình 04 có rất nhiều phần việc khó. Vậy nhưng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến nay có rất nhiều mục tiêu, đề án đã về đích đúng hẹn, thậm chí vượt cả kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì một số phần việc của Chương trình 04 còn gặp khó khăn. Đó là công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh hiệu quả chưa cao; chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa còn hạn chế; kết quả xây dựng trường chuẩn quốc gia ở một số địa phương tỷ lệ còn thấp. Công tác đào tạo nghề, chuyển nghề cho lao động nông thôn ở một số nơi còn chạy theo số lượng, chưa bảo đảm chất lượng tay nghề và kỹ năng để cung ứng cho thị trường lao động. Đặc biệt, một số ít cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu trong khi thực thi công vụ, chưa thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, gây bức xúc trong nhân dân…

2. Không khó để nhận thấy, trong số rất nhiều nhiệm vụ của Chương trình 04 thì việc thực hiện nội dung "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" là khó khăn nhất. Nói vậy là vì so với các địa phương khác, với tính chất là Thủ đô, vấn đề "thanh lịch, văn minh" có đòi hỏi khắt khe hơn. Hà Nội cũng là nơi tiếp nhận sự hội nhập mạnh mẽ nên yêu cầu giữ được nét đẹp truyền thống, đồng thời chọn lọc yếu tố văn hóa hiện đại là không hề dễ dàng nếu như mỗi cư dân sống ở Thủ đô không có "bộ lọc" tốt.

Lấy ví dụ rõ nhất là mới đây, UBND TP Hà Nội đã phải giao Sở VH-TT&DL, Sở GD-ĐT và UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội. Lý do yêu cầu chấn chỉnh vì gần đây một bộ phận các bạn trẻ là học sinh, các ca sĩ, người dẫn chương trình... có những lời nói thô tục, hành vi ứng xử thiếu văn hóa; tình trạng viết bậy, bôi bẩn lên các công trình công cộng, chen lấn xô đẩy khi xếp hàng tham gia các dịch vụ, sẵn sàng gây gổ nơi công cộng... có biểu hiện gia tăng.

Không khó để nhận thấy, cách đây 15-20 năm, nếu người lớn ra đường thấy trẻ con nói tục, chửi bậy có thể nhắc nhở, cho dù đó là những đứa trẻ xa lạ mà chúng không dám cãi lại. Nhưng hiện nay, sự giáo dục của người lớn với con trẻ trong cộng đồng có biểu hiện mai một, thậm chí không còn nữa. Trong khi sự giáo dục từ cộng đồng hạn chế thì việc giáo dục từ nhà trường cũng đang bị đặt dấu hỏi. Nhà trường ở bậc học càng cao thì càng quan tâm đến điểm số, học sinh giỏi nhiều hơn việc giáo dục cách ứng xử cho các em. Trong mỗi gia đình, việc mưu sinh chiếm ngày càng nhiều thời gian, nên chuyện dạy dỗ con cái cũng bị hạn chế. Nói như các nhà nghiên cứu văn hóa thường đề cập thì nhiều năm nay nếp sống đô thị bị vỡ ra, làm cho văn hóa nói chung bị tác động theo chiều hướng tiêu cực.

3. Chỉ nhấn vào một việc nhỏ nêu trên để thấy, Chương trình 04 có ý nghĩa và tầm quan trọng, cũng như "độ khó" thế nào trong quá trình thực hiện. Do đó, những thành quả thu được từ chương trình trong 5 năm qua rất đáng trân trọng. Điều đó cũng đòi hỏi việc thực hiện nội dung của Chương trình 04 sẽ không kết thúc bằng buổi tổng kết, mà sẽ tiếp tục phải thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa trong những năm tiếp theo. Đó chính là mệnh lệnh, đòi hỏi của cuộc sống!

Xét cho cùng, trong bất kỳ một xã hội nào, phát triển văn hóa - xã hội luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm hàng đầu. Muốn làm tốt điều này, không một chương trình, đề án hay một hành động cụ thể nào có thể là đích cuối cùng mà đòi hỏi đó là một quá trình với sự tham gia của toàn xã hội vì mục tiêu xây dựng xã hội văn minh, hiện đại.

Đan Nhiễm