Những trận đồ bát quái! (tiếp theo)

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:06, 02/07/2015

(HNM) - Ép người có nhu cầu tìm việc làm đặt cọc hay đóng tiền mua trang phục cũng chính là những

Để xác thực thông tin, nhóm phóng viên đã chủ động liên hệ với các siêu thị được Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bình Minh quảng cáo, giới thiệu.

Quản lý nhân sự siêu thị HC tại 18 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho hay: "Siêu thị HC có tuyển nhân viên. Chỉ cần nộp hồ sơ, thấy hồ sơ nào phù hợp thì sẽ liên hệ phỏng vấn rồi quyết định tuyển dụng. Trong quá trình nộp hồ sơ, ứng viên không phải nộp khoản phí nào".

Các tờ rơi tuyển nhân viên bán hàng với mức lương cao được dán trên nhiều mảng tường, cột điện quanh các trường đại học.



Khi tìm hiểu tại hệ thống siêu thị BigC Thăng Long, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự. Bên cạnh đó, đồng phục nhân viên là do công ty cung cấp mà không đòi hỏi thêm bất kỳ chi phí nào. Đặc biệt, hệ thống siêu thị điện máy Topcare đã ngừng hoạt động từ cuối tháng 1-2015, nhưng Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bình Minh vẫn tiếp tục tuyển dụng nhân sự cho đơn vị này.

Anh Lê Hoàng (29 tuổi, Phú Thọ), nhân viên bán hàng tại BigC Thăng Long cho biết: "Lương vị trí bán hàng tính cả phụ cấp chỉ được 3 triệu đồng". Trong khi đó, những tờ rơi tuyển dụng vị trí này đưa ra mức lương lên đến 4,8 - 6 triệu đồng.

Quay trở lại Công ty Bình Minh, vào thời điểm ngày 25-5, khi chúng tôi có mặt, tại bàn tư vấn xuất hiện một nạn nhân của cái "bẫy" tinh vi này. Một người phụ nữ đến trước đã ứng tuyển vị trí nhân viên bán xăng dầu tại công ty. Ngay tại trụ sở công ty, người phụ nữ tỏ ra hết sức bức xúc vì đã bỏ ra một khoản tiền để đặt cọc và được công ty này hứa phát sách để học ôn nhưng đợi dài cổ không thấy lời hứa thành hiện thực.

"Tại sao các em đưa sách cho chị học mà chẳng có câu hỏi người ta đưa ra? Nếu như trong cuốn sách này có mà chị không học thì chị hoàn toàn chịu trách nhiệm, nhưng nó lại không có. Hôm qua chị đã bảo với em rồi mà sao em cứ bắt chị đi lại nhiều, mất thời gian quá, suốt hai tuần rồi. Các em đã nhận tiền của chị thì phải giải quyết cho chị", người phụ nữ bực bội.

Khi thấy chúng tôi và những người cùng đến xin việc làm quan sát thái độ của người phụ nữ và để ý đến cuộc nói chuyện, nhân viên tư vấn vội vàng lấn át: "Nếu chị nói chuyện điện thoại thì mời chị ra ngoài. Chúng tôi còn tư vấn việc làm cho nhiều người khác". Sau đó, người phụ nữ này được hẹn gặp vào sáng hôm sau.

Đăng Dũng, người đã nộp 1 triệu đồng cho Công ty môi giới việc làm TNHH Nam Long để "giữ chân" cho biết: "Theo như lời bên công ty nói, họ chỉ chịu trách nhiệm đến khi tôi gặp quản lý của các chỗ làm. Tôi được nhận hay không, họ không can thiệp". Anh cũng nói thêm, công ty diện tích nhỏ, chỉ có 4 chiếc bàn học sinh để làm việc. Thấy người đến xin việc đông nên Đăng Dũng tin tưởng. "Nhân viên ai cũng nói dài, nói nhanh như rót mật vào tai. Câu cuối bao giờ họ cũng đưa ra một khoản tiền yêu cầu mình đóng. Lương cao hấp dẫn, ai mà lại không ham", Dũng kể.

Một công việc khác mà nhiều người có nhu cầu tìm việc cũng bị mất tiền oan, là gõ chữ Captcha. Đây là công việc giúp các website (trang web) xác nhận mã để phân biệt người sử dụng hay máy tính. Nguyễn Anh Tú (20 tuổi, Lạng Sơn) cho biết, Tú nộp hồ sơ xin phỏng vấn tại Công ty Tâm Tầm Tài, cơ sở trên đường Nguyễn Tuân. "Khi ký hợp đồng mình phải nộp 200.000 đồng cho công ty, họ nói đây là phí để mua phầm mềm sử dụng gõ Captcha." Anh Tú nói thêm, bạn của Tú cũng đến xin việc tại công ty trên ở cơ sở Trần Thái Tông, Cầu Giấy và cũng bị yêu cầu nộp tiền, nhưng số tiền là 250.000 đồng để mua phầm mềm diệt virut, phầm mềm gõ Captcha được cấp miễn phí. Sau đó, Tú tìm hiểu thì thấy không chỉ riêng mình mà còn nhiều bạn khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tú quay lại công ty trên để lấy lại khoản tiền đặt cọc nhưng bị người của công ty đe dọa.

Anh Trần Xuân Hồng (sinh năm 1980, quê Nam Định), hiện đang làm công việc gõ chữ Captcha cho biết đã làm công việc này từ tháng 9-2011. Ngay từ đầu, không phải mất tiền mua phần mềm hay chi trả bất cứ khoản phí nào để được cung cấp tài khoản làm việc.

Chị Ngô Hà (TP Hải Dương, Hải Dương) cho biết, chị đã làm công việc này cho một trung tâm nhưng đến kỳ tính lương thì tài khoản của chị bị khóa tự động nên không lấy được số tiền công hơn 500.000 đồng - khoản tiền chị đã chăm chỉ làm việc trong 2 tuần, mỗi ngày làm 10 tiếng.

Nhiều bạn khác lại rơi vào tình trạng, được cấp tài khoản nhưng đến khi làm thì các ký tự vừa dài vừa rối hiện ra, khiến các bạn không thể dịch mà gõ được. Các bạn đành phải bỏ ngang, chấp nhận mất tiền. Theo kinh nghiệm của chị Hà, khi gặp phải trường hợp như các bạn trên thì những người làm công việc này chỉ cần gõ "i dont see", khi đó, ký tự khác sẽ hiện ra thay thế.

Triệt phá nhiều công ty lừa đảo môi giới việc làm

Theo Công an quận Bắc Từ Liêm, trong thời gian vừa qua, cơ quan điều tra đã tiến hành triệt phá nhiều công ty lừa đảo môi giới việc làm. Điển hình nhất, cuối tháng 5, lực lượng công an đã bắt khẩn cấp 4 giám đốc của các công ty môi giới việc làm để làm rõ về hành vi chiếm đoạt tài sản. Để lừa đảo, từ giữa năm 2014, Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1987, quê quán Phú Thọ) đã mở Công ty Bình An đặt trụ sở tại số 279A, đường Phạm Văn Đồng, phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Khi đi vào hoạt động, Hùng cho nhân viên đăng tin tuyển dụng lao động trên mạng internet với mức lương cao để những người có nhu cầu tìm việc làm liên hệ và nộp hồ sơ.

Khi người lao động đến công ty Hùng xin việc, Hùng thu mỗi người 500.000 đồng tiền phí làm hồ sơ. Sau đó, Hùng chỉ đạo nhân viên thu từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng/hồ sơ của người xin việc.

Mặc dù biết không thể xin được việc cho người lao động, nhưng Hùng vẫn móc nối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn và dịch vụ vận tải du lịch Thăng Long do Trương Thị Thị làm Giám đốc để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người bị hại.

Thị và Hùng thỏa thuận, khi người lao động đến tìm việc, Hùng sẽ viết giấy giới thiệu sang công ty của Thị để phỏng vấn xin việc. Tại đây, Thị thu 200.000 - 300.000 đồng/người, nếu người xin việc không có tiền thì Hùng sẽ trích 200.000 đồng do họ đặt cọc để đưa cho công ty của Thị. Sau khi người lao động đặt cọc tiền, nhân viên của Thị đưa tài liệu cho khách hàng về ôn thi để phỏng vấn.

Đến hẹn, người xin việc đến phỏng vấn thì nhân viên công ty của Thị đều bảo không đạt và bị đánh trượt. Số tiền khách hàng đặt cọc bị công ty của Thị chiếm đoạt luôn.

Quá trình khai thác mở rộng, cơ quan cảnh sát điều tra xác định tại Công ty Hoàng Trọng do Bùi Văn Thái làm Giám đốc, tại trụ sở 232 đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội và Công ty Nam Long do Nguyễn Quang Thắng làm Giám đốc cũng hoạt động kinh doanh với thủ đoạn giống như Công ty Bình An và Công ty Thăng Long.

"Đây là hình thức móc nối hết sức tinh vi để đưa người có nhu cầu việc làm vào vòng luẩn quẩn hòng chiếm đoạt tiền của họ", đại diện Công an quận Bắc Từ Liêm cho hay.

Công an quận Bắc Từ Liêm sẽ tiến hành rà soát điều tra mở rộng về hình thức lừa đảo này và lưu ý những nạn nhân có thể trực tiếp đến khai báo tại trụ sở công an quận.

Phương Anh - Tú Anh - Linh Chi