Bài cuối: Đầu tư mạnh nguồn lực cho nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội
Chính trị - Ngày đăng : 05:49, 02/07/2015
Chương trình đã được các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhân dịp này, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã dành cho Báo Hànộimới cuộc trao đổi đánh giá những kết quả nổi bật đã đạt được và định hướng một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Về đích trước một năm chỉ tiêu giảm nghèo
- Thưa đồng chí, Chương trình 04 cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đồng chí có thể khái quát những kết quả nổi bật trong gần 5 năm thực hiện chương trình cho bạn đọc Báo Hànộimới?
- Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc: Có thể nói, sau gần 5 năm thực hiện Chương trình 04, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chương trình; từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện qua việc cụ thể hóa chương trình thành những mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù riêng của địa phương. Đến nay, 17/17 chỉ tiêu cơ bản đều đạt, trong đó có 4 chỉ tiêu đã hoàn thành vượt mức từ 0,2% đến 5%. Tương tự, 42/43 đề án, dự án thuộc Chương trình 04 đã cơ bản hoàn thành bảo đảm tiến độ; nhiều dự án, đề án đang được triển khai theo nội dung được phê duyệt. Duy nhất còn 1 dự án xây dựng công viên khoa học được giao cho Sở KH&CN thực hiện còn đang trong giai đoạn tiến hành xây dựng thuyết minh dự án, chờ thành phố nghiên cứu quy hoạch và bố trí địa điểm. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng coi trọng đào tạo, bồi dưỡng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của địa phương về nguồn nhân lực.
Hiện tại, Hà Nội có khả năng đón nhận và khai thác những cơ hội trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng nhằm thu hút và khai thác có hiệu quả nguồn vốn, công nghệ mới, kinh nghiệm quản lý, mở rộng thị trường để phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH Thủ đô. Công tác xóa đói giảm nghèo có chuyển biến vượt bậc. Mục tiêu của chương trình là đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo đạt 2%, nhưng kết quả sau 4 năm thực hiện chương trình giảm nghèo, Hà Nội đã giảm từ 7,52% (đầu năm 2011) xuống còn 1,9% (cuối năm 2014), hoàn thành trước một năm so với mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng được quan tâm chỉ đạo, tỷ lệ gia đình văn hóa năm sau cao hơn năm trước và chất lượng gia đình văn hóa được coi trọng. Thành phố đã có 55% làng đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, 70% tổ dân phố đạt danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”, 60,7% đơn vị được công nhận và giữ vững danh hiệu “Đơn vị văn hóa”. Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các di sản văn hóa luôn được quan tâm, hiện Hà Nội có 2.361 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó có 9 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt và 4 di sản văn hóa thế giới. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch tiếp tục duy trì nhịp độ phát triển, năm 2014, được trang web TripAvisor(R) - trang web du lịch lớn nhất thế giới xếp hạng Hà Nội đứng thứ 8/10 điểm đến hàng đầu của du khách trên thế giới. Giáo dục - đào tạo được duy trì là đơn vị dẫn đầu cả nước về quy mô, chất lượng; quan trọng hơn là khoảng cách về chất lượng giáo dục ở các vùng miền đã gần nhau hơn. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đang là đơn vị dẫn đầu cả nước, hiện Hà Nội có 52,6% số trường đạt chuẩn quốc gia. Cùng với đó, ứng dụng CNTT có bước phát triển vượt bậc, trong 4 năm, TP Hà Nội từ xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố nâng lên đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố năm 2014.
- Kết quả thu được rất khả quan, đồng chí có thể cho biết những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình 04?
- Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc: Ngay sau khi Thành ủy Hà Nội thông qua Chương trình 04, Ban Chỉ đạo đã phối hợp với Ban cán sự đảng UBND thành phố xây dựng và ban hành Kế hoạch 157/KH-UBND để thực hiện chương trình; kịp thời quán triệt tới các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã; giao trách nhiệm cụ thể đối với từng địa phương, đơn vị trong thực hiện Chương trình. Ban Chỉ đạo đã ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ từng thành viên và tổ giúp việc, tập trung hướng dẫn, kiểm tra, giám sát kịp thời tại các địa phương, trong đó chú trọng giám sát chặt chẽ về tiến độ công việc, kết hợp với đẩy mạnh các phong trào thi đua của cơ quan, đơn vị.
Ban Chỉ đạo cũng đã tham mưu cho Thành ủy thành lập nhóm tổng kết chuyên đề 3 về “phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam trên địa bàn Hà Nội qua 30 năm đổi mới”; đồng thời ban hành Chương trình hành động số 29-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”. Từ việc sâu sát của Ban Chỉ đạo, các sở chuyên ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đã vào cuộc tích cực, rà soát việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển văn hóa - xã hội đã được giao, đề xuất khó khăn, vướng mắc để điều chỉnh cho phù hợp. Cũng phải nói thêm rằng, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các địa phương và cơ sở rất quyết liệt, đã quán triệt chương trình nâng cao nhận thức cho cán bộ chủ chốt, đồng thời thành lập ban chỉ đạo, ban hành chương trình, kế hoạch hành động của cấp mình lồng ghép với các phong trào thi đua, nhiệm vụ trọng tâm ở đơn vị. Chính vì thế, chương trình đã có sức lan tỏa và đạt kết quả cao.
Xác định yếu tố cốt lõi… để thành công
- Thưa đồng chí, trong quá trình chỉ đạo thực hiện chương trình, có điểm nào còn khó khăn, bất cập cần khắc phục trong thời gian tới?
- Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc: Kết quả đạt được là rất tích cực, tuy nhiên không phải là không còn tồn tại, bất cập cần khắc phục trong giai đoạn tới như: Công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh hiệu quả chưa cao; chất lượng phong trào xây dựng gia đình, làng văn hóa còn hạn chế; việc xây dựng trường chuẩn quốc gia ở một số quận, huyện tỷ lệ còn thấp. Đặc biệt, một số ít cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu trách nhiệm, gây nhũng nhiễu trong khi thực thi công vụ, kéo dài thời gian giải quyết các thủ tục hành chính gây bức xúc trong nhân dân. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở một số địa phương còn chạy theo số lượng, chưa bảo đảm chất lượng tay nghề và kỹ năng ứng xử để cung ứng cho thị trường lao động. Qua kiểm tra, giám sát, Ban Chỉ đạo cũng thấy rằng, nguyên nhân tồn tại là do một số cấp ủy, chính quyền và ngành còn thụ động, mới quan tâm đến thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, thường xuyên, thiếu chỉ đạo thực hiện các nội dung trọng tâm trong Chương trình 04 của Thành ủy.
- Đến nay, Ban Chỉ đạo Chương trình 04 đã xác định chỉ tiêu cụ thể cho giai đoạn tiếp theo như thế nào? Và để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, cần những giải pháp chủ yếu nào, thưa đồng chí?
- Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc: Hiện nay, Ban Chỉ đạo đã chuẩn bị cho việc tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình 04 và cũng đã thống nhất một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020. Đó là toàn thành phố có từ 86% đến 88% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa; 60% đến 62% làng, thôn bản được công nhận và giữ vững danh hiệu làng văn hóa; 70% đến 72% tổ dân phố, đơn vị công nhận và giữ vững danh hiệu tổ dân phố văn hóa, đơn vị văn hóa; 55% trở lên số người dân tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; 70% trường học công lập đạt tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia. Toàn thành phố có từ 8 đến 10 trường THCS, THPT và mỗi quận, huyện đều có trường mầm non, tiểu học chất lượng cao; 5 đến 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao theo hướng tiếp cận mô hình giáo dục tiên tiến thế giới.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng xây dựng mục tiêu, hằng năm có 148.000 người được giải quyết việc làm; 75% lao động qua đào tạo; giảm hộ nghèo bình quân từ 1% đến 1,5%/năm (theo chuẩn nghèo mới); 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 25 giường bệnh và 13,5 bác sĩ/10.000 dân; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 8,0%. Ban Chỉ đạo cũng sẽ chỉ đạo hoàn thành xây dựng bệnh viện đa khoa 1.000 giường tại huyện Mê Linh, đồng thời xây dựng một số trung tâm chữa bệnh chất lượng cao ở một số quận, huyện, khu vực. Công tác bảo tồn và phát triển văn hóa tại khu vực Ba Đình; di tích Phủ Chủ tịch; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Di tích Hoàng thành Thăng Long, Thành Cổ Loa; Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các di tích quốc gia khác trên địa bàn Thủ đô cũng sẽ được chú trọng.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân. Trong đó cần nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cấp ủy, cán bộ quản lý, lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Mỗi ngành, mỗi cấp cần bám sát nhiệm vụ theo yêu cầu của lĩnh vực văn hóa - xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh để từ đó vận dụng, đưa ra các giải pháp cụ thể thực hiện tại địa phương, đơn vị. Ngoài các giải pháp trên, thì giải pháp tuyên truyền, vận động vẫn được xác định là yếu tố cốt lõi. Mỗi ngành, mỗi cấp, cần đổi mới công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện các nhiệm vụ của chương trình, đặc biệt là nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tích cực tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nhất là thực hiện các tiêu chí khung của hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố. Đây là yếu tố quan trọng để giúp cho Chương trình 04 của Thành ủy thành công.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!