Kỳ thi quốc gia đầu tiên
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:28, 02/07/2015
Dù kết quả kỳ thi thế nào, đây cũng là một dấu mốc quan trọng không chỉ trong đời mỗi thí sinh mà với toàn xã hội. Xin chúc mừng các thầy cô giáo, các nhà quản lý, các nhà khoa học trong ngành GD-ĐT, các thí sinh, người thân các thí sinh và tất cả những người quan tâm, tiếp sức cho kỳ thi. Từ nhiều tháng nay, các bạn sinh viên, đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, đã bằng nhiều cách tiếp sức cho thí sinh, từ hỗ trợ thông tin nơi ăn, chốn ở, đến phương tiện đi lại…
Kỳ thi THPT năm 2015, riêng Hà Nội có 83.498 thí sinh, chưa kể 35.000 thí sinh từ các tỉnh, thành phố khác lai kinh dự thi. Như vậy, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, tại Hà Nội, sẽ có hơn 118.000 thí sinh dự thi tại 164 điểm thi của 9 cụm thi. Đối với cụm thi do Sở GD-ĐT Hà Nội đảm trách, có 27 điểm thi với 493 phòng thi, phục vụ 11.666 thí sinh. Sở đã huy động 1.794 cán bộ, giáo viên tham gia công tác tổ chức, coi thi.
Mặc dù kỳ thi rơi đúng vào giai đoạn nắng nóng, nhưng điều kiện tại các phòng thi đều được bảo đảm. Ngành công an đã huy động hơn 1.000 chiến sĩ bảo đảm giao thông, an ninh trật tự. Đoàn thanh niên thành phố đã chuẩn bị 42.000 chỗ trọ, hàng trăm đội tiếp sức mùa thi. Ngành y tế đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm, y tế dự phòng… Ngành giáo dục cũng đã chuẩn bị bộ đề thi tuyệt đối bí mật, có cơ sở khoa học, kích thích ý chí sáng tạo của thí sinh, có tính phân hóa cao cho các em để sự lựa chọn của xã hội chính xác, phù hợp với nguyện vọng từng người. Tóm lại, Hà Nội đã và đang dồn sức để bảo đảm cho một kỳ thi thành công.
Kết quả cuối cùng của kỳ thi sẽ tùy thuộc vào năng lực của mỗi thí sinh và với gần 72% thí sinh có nguyện vọng tiếp tục học ĐH, CĐ, chắc chắn không phải tất cả đều được toại nguyện. Dù thế nào, mỗi thí sinh phải nỗ lực phát huy tối đa khả năng, trí tuệ để có tên trong "bảng vàng". Dẫu vậy, vào ĐH, CĐ không phải là con đường duy nhất để lập thân, nói cách khác, bằng cấp không phải là cứu cánh cho dù có nó sẽ thuận lợi hơn. Các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về các "nhà khoa học chân đất". Tuy không được học hành đến nơi đến chốn, không có bằng cấp, nhưng bằng trí thông minh, ham học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, họ đã và đang có nhiều đóng góp rất tích cực và được xã hội ghi nhận. Lênin đã dạy: Học, học nữa, học mãi. Kiến thức không chỉ có trong nhà trường mà ngay trong cuộc sống và cuộc sống đã "sản sinh" ra nhiều nhà khoa học, doanh nhân nổi tiếng không kém những người được đào tạo bài bản qua cổng trường ĐH.
Nói vậy, để mỗi thí sinh cần trung thực, bình tĩnh, tự tin để tự mình sát hạch, đánh giá đúng năng lực thực sự của bản thân để chọn hướng đi đúng. Biết mình là ai, mình ở đâu mới là mục đích lớn nhất của mỗi kỳ thi. Xin chúc mừng kỳ thi quốc gia đầu tiên, tuy chưa thể tránh hết hạn chế nhưng hy vọng sẽ mở ra một cách đánh giá chính xác hơn, đỡ tốn kém hơn và đỡ vất vả hơn không chỉ cho mỗi thí sinh mà cả xã hội.