Dữ liệu tàu Genesis vẫn còn
Xe++ - Ngày đăng : 08:38, 11/09/2004
Phi thuyền Genesis, theo kế hoạch sẽ trở về trái đất, mang theo các phân tử có trong gió mặt trời, nhưng nó đã đâm sầm xuống vùng sa mạc Utah, sau khi chiếc dù của tàu không mở. Sau khi rơi xuống đất với tốc độ cao, tàu Genesis chứa đầy các thông tin giá trị nay hầu như không còn lại gì. Tất nhiên là các khoa học gia sẽ tìm kiếm các mảnh vỡ của tàu, thế nhưng dường như họ sẽ phải làm lại từ đầu công tác nghiên cứu.
Tàu Genesis bị nghiêng khi bay vào vòng khí quyển trái đất, với vận tốc 25 ngàn dặm một giờ. Công tác chuẩn bị tiếp đất đã sẵn sàng, các khoa học gia hồi hộp chờ đợi. Bỗng nhiên tàu bị xoay tròn và lao đi với vận tốc quá nhanh. Chiếc dù của tàu không mở, và tàu đâm sầm xuống vùng cát của sa mạc Utah, tan tành thành nhiều mảnh, trong lúc các trực thăng hỗ trợ bất lực bay gần đó.
Tàu Genesis đã lang thang trong suốt hơn hai năm giữa trái đất và mặt trời, thu thập hàng tỷ mảnh nhỏ bắn từ bề mặt của mặt trời ra vũ trụ. Tàu giữ các mảnh nhỏ này trong các đĩa nhựa silicone mỏng manh, mà nay các đĩa này có lẽ đã vỡ tan ra do khí quyển trái đất. Các khoa học gia hy vọng sẽ tìm được gì đó trong những mảnh vụn của tàu còn sót lại, và NASA đã hy vọng có thể nghiên cứu kỹ hơn về nguồn gốc hệ mặt trời của chúng ta. Thế nhưng, cuộc nghiên cứu trị giá 260 triệu đô la đã kết thúc trong thất bại.
Công cuộc nghiên cứu sẽ phải được làm lại từ đầu. Về nguyên tắc thì điều này không khó, nhưng vấn đề là phải tìm được nguồn tài trợ. Vụ tai nạn cũng sẽ gây ảnh hưởng tới hướng phát triển của các chương trình khác, mà đáng kể nhất là việc thám hiểm Sao Hoả. Hai tàu tự hành hiện đang trên bề mặt Sao Hoả chỉ mới là những bước đầu trong kế hoạch dài hạn. Các khoa học gia tham gia dự án tin rằng tới lúc nào đó, có thể là trong thập niên tới, sẽ cần có tiến hành công tác lấy mẫu vật từ Sao Hoả. Việc này đòi hỏi tốn kém hàng tỷ đô la.
Câu hỏi sẽ là liệu nên thử làm việc đó hay không, nếu như tai nạn và thảm hoạ cứ xảy ra vào phút chót. Vụ rớt tàu Genesis có thể cũng sẽ mở lại cuộc tranh cãi giữa NASA và những tổ chức tài trợ, quanh chuyện nên chi phí tốn kém để đạt kết quả đáng tin cậy, hay nên tiết kiệm và do vậy kết quả sẽ kém tin cậy hơn. Với mức hơn 250 triệu đô la thì Genesis thuộc nhóm chi phí rẻ, tuy vẫn đắt hơn nhiều lần so với tàu Beagle 2.
Nhưng, kinh nghiệm cho thấy khám phá vũ trụ cho thấy chỉ cần một thiết bị đơn giản nhất, chỉ tốn chưa tới một đô la, tuy nhiên nếu không làm việc hoàn hảo thì cũng sẽ làm cho cả dự án tiêu tan, làm hỏng nhiều năm nỗ lực nghiên cứu chỉ trong một khoảnh khắc.
Theo BBC