Đã xác định được bệnh “lạ” tại Phú Thọ

Sức khỏe - Ngày đăng : 11:22, 01/07/2015

(HNMO) - Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy, đây là các trường hợp mắc bệnh khô da sắc tố. Bệnh khô da sắc tố là căn bệnh có yếu tố di truyền. Ở người mắc bệnh, các vùng da khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời sẽ bị tổn thương, rối loạn sắc tố....

Theo thống kê của địa phương, trong nhiều năm trở lại đây, xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã ghi nhận một số trường hợp trẻ em bị mắc bệnh có biểu hiện tổn thương ở da kéo dài và có thể dẫn đến tử vong sớm.

Đoàn kiểm tra kiểm tra da cho trẻ


Để làm rõ thông tin về căn bệnh trên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) là cơ quan đầu mối vừa tổ chức đoàn công tác đi điều tra, khảo sát các trường hợp mắc bệnh tại xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Tham gia đoàn công tác, ngoài đại diện của Cục Y tế dự phòng, còn có Cục Quản lý khám, chữa bệnh, các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Da liễu Trung ương. Các chuyên gia đã tiến hành điều tra dịch tễ, khảo sát môi trường đồng thời khám lâm sàng cho các trường hợp mắc bệnh.

Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy, đây là các trường hợp mắc bệnh khô da sắc tố. Bệnh khô da sắc tố là căn bệnh có yếu tố di truyền. Ở người mắc bệnh, các vùng da khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời sẽ bị tổn thương, rối loạn sắc tố... Bệnh có thể dẫn tới hậu quả ung thư da và tử vong.

Được biết, tại xã Thượng Cửu, bệnh đã xuất hiện nhiều năm, từ những năm 1980 đến nay đã ghi nhận khoảng 10 trường hợp mắc bệnh rải rác qua các thế hệ của 5 gia đình thuộc 2 dòng họ trong xã, trong đó có 8 trường hợp đã tử vong, chủ yếu là trước 20 tuổi.

Theo ý kiến của các chuyên gia, căn bệnh này không phải là bệnh “lạ” mà đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia. Tại Bệnh viện Da liễu hằng năm cũng ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh khô da sắc đến khám và điều trị, trong đó có các ca đến trong tình trạng bị ung thư da.

Các chuyên gia khuyến nghị, biện pháp quan trọng nhất để điều trị bệnh này là chống nắng, không để cho da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Người mắc bệnh cần mặc quần áo vải dày chùm kín người, đeo kính chống tia cực tím hoặc bôi kem chống nắng khi đi ra ngoài ánh nắng. Các cơ sở y tế tại địa phương cần tổ chức quản lý, tư vấn, hướng dẫn cho gia đình bệnh nhân về các biện pháp chống nắng, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ, đồng thời theo dõi thường xuyên để phát hiện sớm các trường hợp bệnh có biểu hiện ác tính để đi khám, điều trị kịp thời.

T.Hương