"Chiến trường" mới giữa Nga và phương Tây?
Thế giới - Ngày đăng : 06:33, 01/07/2015
Người biểu tình phong tỏa nhiều tòa nhà Chính phủ Armenia tại thủ đô Yerevan. |
Tương tự những gì đã diễn ra tại Quảng trường Độc lập, Kiev vào cuối năm 2013, làn sóng biểu tình bùng phát ngay sau khi chính quyền Armenia thông qua kế hoạch tăng giá điện sinh hoạt theo đề nghị của Công ty Lưới điện Armenia (ENA), đơn vị độc quyền cung cấp điện tại nước này. Hàng vạn người đã đổ về trung tâm thủ đô Yerevan từ ngày 19-6, "đóng chốt" tại đại lộ Marshal Baghramyan gần dinh Tổng thống Serge Sargsyan, phong tỏa hoạt động đi lại xung quanh các tòa nhà chính phủ. Bất chấp lực lượng cảnh sát phải dùng vòi rồng giải tán và bắt giữ hàng trăm người quá khích, đám đông biểu tình vẫn không thuyên giảm. Thậm chí, những người xuống đường còn dựng 5 - 6 khu lều trại và tuyên bố tiếp tục bám trụ tại các quảng trường trung tâm. Người biểu tình đã từ chối cử đại diện gặp Tổng thống Serge Sargsyan như đề nghị của người đứng đầu đất nước để đàm phán, tháo gỡ bế tắc.
Diễn biến hiện nay tại Armenia có vẻ giống một cuộc xung đột giữa những người không hài lòng với Chính phủ - những người bị đổ lỗi phải chịu trách nhiệm cho thực trạng kinh tế - xã hội yếu kém hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là kịch bản của một cuộc "cách mạng sắc màu" nhằm lật đổ một chính quyền hợp pháp do dân bầu ra, dưới công cụ là các cuộc biểu tình đường phố từng làm khuynh đảo nhiều quốc gia trong không gian hậu Xô viết những năm đầu thế kỷ XXI và mới đây nhất là Ukraine. Tình hình ở Armenia hiện nay tương tự với giai đoạn đầu của "Cách mạng Maidan". Tại thời điểm đó, phe đối lập Ukraine cũng từ chối đối thoại với Tổng thống Viktor Yanukovych và kêu gọi cộng đồng Châu Âu can thiệp. Một điểm trùng hợp khác là, cuộc biểu tình tại Yerevan cũng nổ ra không lâu sau khi Tổng thống nước này S.Sargsyan từ chối ký Thỏa thuận liên kết kinh tế với Liên minh Châu Âu (EU) và hướng trọng tâm sang Nga - như những gì cựu Tổng thống V. Yanukovych từng làm ở Ukraine. Xu hướng gắn kết lâu dài với Mátxcơva được khẳng định rõ ràng bằng việc Quốc hội Armenia phê chuẩn thỏa thuận gia nhập Liên minh Kinh tế Âu - Á (EAEU) do Nga giữ vai trò đầu tàu.
Như vậy, nếu mọi việc diễn ra đúng theo "kịch bản" của cuộc chính biến Maidan, những nhượng bộ của chính quyền liên quan tới việc tăng giá điện vẫn chưa hẳn là chìa khóa để giải quyết vấn đề. Bằng chứng là cách đây ít ngày, Tổng thống Armenia đã cam kết tạm dừng kế hoạch tăng giá điện cho đến khi công việc kiểm toán tại ENA hoàn tất và ra lệnh trả tự do cho những phần tử quá khích bị bắt giữ, song, đám đông vẫn không hề giảm. Thay vào đó, những dấu hiệu chính trị hóa cuộc biểu tình ngày càng lộ rõ. Nhiều ý kiến cho rằng, một phần lý do dẫn tới những biến động tại Armenia là vì ENA thuộc Tập đoàn Inter RAO do tỷ phú người Nga Igor Sechin làm chủ tịch. Trong khi đó, đám đông cũng đã trưng ra những biểu ngữ thể hiện làn sóng bài Nga.
Theo các nhà phân tích, mặc dù là đất nước có dân số ít (gần 3 triệu người), diện tích nhỏ và ít có tiếng nói trên trường quốc tế, song, Armenia là thành viên của một loạt tổ chức kinh tế, chính trị và quân sự do Nga làm nòng cốt như Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), EAEU, Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể CSTO. Dù chưa thể so sánh với Belarus, Ukraine hoặc Kazakhstan trong mối quan hệ với Nga, nhưng không thể nói quan hệ Armenia - Nga là không quan trọng. Vì hiện tại Armenia là đồng minh duy nhất của Nga tại khu vực Nam Caucasus nhiều bất ổn. Không chỉ sở hữu vị trí địa - chiến lược giáp Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia, Azerbaijan và không xa vùng Trung Cận Đông, Armenia còn có căn cứ quân sự số 102 của Nga tại Gymri với nhiệm vụ bảo vệ xứ Bạch Dương từ hướng Tây - Nam. Tất cả những lý do trên được đặt trong bối cảnh cuộc đối đầu địa - chính trị giữa Nga với phương Tây đang ở giai đoạn được đánh giá là nghiêm trọng nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Hiện tại, dư luận đang lo ngại, hệ lụy khó lường của cuộc đối đầu này có thể xảy ra tại nhiều khu vực và không loại trừ các quốc gia nào thuộc không gian hậu Xô viết.