Sẽ ra mắt đêm nhạc đẳng cấp, thú vị

Văn hóa - Ngày đăng : 06:16, 01/07/2015

(HNM) - Tin



Từ trước đây, báo chí và giới âm nhạc ca ngợi, nhắc nhiều về Nguyễn Việt Trung với tên gọi "cậu bé vàng piano Việt Nam", "Đặng Thái Sơn thứ hai" hay "Người kế thừa Đặng Thái Sơn" bởi thành tích vượt trội mà em đạt được từ khi còn rất nhỏ. Nhưng lần này về, ở tuổi 19, không ai còn gọi Nguyễn Việt Trung là "cậu bé" nữa, dù dáng người vẫn mảnh khảnh, thư sinh, mà gọi là nghệ sĩ piano như Việt Trung từng mong muốn. Bởi phong thái tự tin, trưởng thành, nhất là khi đứng bên những người bạn đồng lứa quốc tế không hề thấy thua kém.

Nguyễn Việt Trung sinh ra tại Hà Nội, 6 tháng tuổi cùng gia đình sang Ba Lan, 6 tuổi bắt đầu học piano, đã tốt nghiệp Trường sơ cấp âm nhạc Oskar Kollberg tại Ba Lan và hiện đang học tại Trường Karol Szymanowzki - trường nhạc dành cho các tài năng tại Ba Lan. 19 tuổi, em đã sở hữu nhiều giải thưởng danh tiếng quốc tế, trong đó nổi bật có giải nhì cuộc thi quốc tế "Chopin cho người trẻ tuổi" (Antonin, Ba Lan, năm 2010), giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi Rotaract - Rotary Intl Piano Competition tại Palma de Mallorca (Tây Ban Nha, 2012), giải Grand Pix (cao quý nhất) tại cuộc thi piano toàn quốc cho hệ trung học (Krakow, Ba Lan, 2014), giải nhì cuộc thi piano quốc tế (Lancaster, Mỹ, 2014). Nguyễn Việt Trung là một trong 8 tài năng trẻ piano trên toàn thế giới được mời tham gia biểu diễn trong chương trình "Junior Academy Eppan 2013" và lọt vào Top 3. Việt Trung cũng đã lưu diễn tại các sân khấu lớn của nhiều nước như Ukraine, Hungary, Pháp, Mỹ, Nga, Ba Lan, Bỉ, Thái Lan…

Tuy sống ở Ba Lan từ nhỏ nhưng Nguyễn Việt Trung vẫn mang quốc tịch Việt Nam, đưa cờ đỏ sao vàng tung bay trong mọi cuộc thi mình tham gia và nói tiếng Việt tốt. Em cũng thường xuyên về nước thăm gia đình, hòa nhập nhanh và vui vẻ với nhịp sống náo nhiệt, đầm ấm ở quê nhà. Chính điều đó cũng góp phần bồi đắp cảm xúc trên sân khấu, đặc biệt khi được biểu diễn trước khán giả quê nhà, được mọi người đón nhận nồng nhiệt. Khán giả yêu thích Nguyễn Việt Trung ở phong cách và tư duy âm nhạc nhạy bén, phóng khoáng mà không dễ dãi. Việt Trung tiếp thu điều dạy bảo của NSND Đặng Thái Sơn rằng với bất kỳ một bản nhạc nào cũng phải suy nghĩ tại sao mình lại chơi như thế để hiểu được bài. Song với tư duy khá cởi mở nên Việt Trung cũng chọn cho mình cách thể hiện các tác phẩm âm nhạc cổ điển trẻ trung hơn, dễ gần hơn, sao cho cuốn hút và tác động phổ biến đến khán giả như nhạc pop.

Những lần Nguyễn Việt Trung về biểu diễn trước đây thường là độc tấu, song tấu cùng nghệ sĩ Việt Nam hoặc hòa tấu cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, cảm giác sẽ khác bây giờ, khi bên cạnh em là những người bạn cùng trang lứa, cùng môi trường học tập đẳng cấp và đồng điệu về tư duy âm nhạc. Đó là hai nữ nghệ sĩ người Ba Lan Magdalena Skwierczynska (violon) và Sylwia Anna (cello) cùng sinh năm 1996 cũng học Trường nhạc Karol Szymanowzki, lập tam tấu với Việt Trung và vừa được giải Grand Prix cuộc thi nhạc thính phòng toàn quốc (Warsaw, Ba Lan, 2015). Ngoài ra còn có nữ nghệ sĩ Monika Ruth (piano) người Hungary mà em đã gặp trong các cuộc thi và quyết định cùng chơi với nhóm. Các nghệ sĩ này đều có bảng thành tích đáng ngưỡng mộ trên con đường âm nhạc với hàng chục giải thưởng quốc tế danh giá.

Nhạc mục trong chương trình họ chơi tới đây rất đa dạng, sôi nổi và đều là những kiệt tác tuyệt vời: Tam tấu piano "Bốn mùa" (Piazolla), Tam tấu piano số 1 (Arensky), Etude siêu việt số 4 (Liszt), Toccata (Ravel), 32 biến tấu cung đô thứ (Beethoven), Ballade số 1 cung son thứ (Chopin), Sonate số 3 cung la thứ (Prokofiev)... Đây chắc chắn là một đêm nhạc đẳng cấp, thú vị cho khán giả yêu nhạc hàn lâm mọi lứa tuổi.

Yên Nga