Bài 4: Nâng cao tiềm lực, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Công nghệ - Ngày đăng : 06:13, 01/07/2015
Ngoài ra, góp phần cung cấp đủ nguồn nhân lực cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; chú trọng phát triển, đào tạo, thu hút tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ trí thức. Từ mục tiêu mà Chương trình đề ra, các Sở KH&CN, GD-ĐT đã ban hành các kế hoạch, triển khai thực hiện sáng tạo và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Đầu tư cho khoa học, công nghệ sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế Thủ đô. Ảnh: Mạnh Hà |
Nâng cao tiềm lực KH&CN
Trong thời gian qua, Sở KH&CN đã tham mưu cho thành phố ban hành chính sách nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, minh bạch để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy KH&CN phát triển, trong đó phải kể đến Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020. HĐND thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết số 04/2013 về chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển KH&CN và các nhà khoa học tham gia thực hiện chương trình trọng điểm của thành phố theo quy định của Luật Thủ đô. Những điểm mới mang tính đột phá trong các chính sách đã đem lại hiệu quả thiết thực. Các vấn đề bức thiết, nóng bỏng của thành phố cần giải quyết đã được quan tâm thích đáng thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được các sở, ban, ngành, địa phương tham gia đặt hàng và trực tiếp triển khai. Chất lượng của các đề tài, dự án nghiên cứu ngày càng được nâng cao. Từ năm 2011 - 2015, các chương trình KH&CN cấp thành phố đã triển khai 488 đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm. Tỷ lệ ứng dụng kết quả vào thực tiễn của các đề tài ngày càng cao. Kết quả của các đề tài, dự án đã được áp dụng với các mức độ và quy mô khác nhau, đem lại hiệu quả tốt trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm nghiên cứu khoa học đã góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của KH&CN trong những năm vừa qua là nâng cao tiềm lực KH&CN như mục tiêu mà Chương trình 04 đã đề ra. Theo đó, ngành KH&CN Thủ đô đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan, các chuyên gia trong và ngoài nước đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng: Dự án Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ tại Hòa Lạc; dự án Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên tại quận Tây Hồ; dự án Trung tâm công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm tại huyện Đông Anh; dự án cải tạo, sửa chữa trụ sở và đầu tư trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng...
Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao
Trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô là công tác trọng tâm, luôn được Hà Nội quan tâm đặc biệt. Từ năm 2011 đến nay, Hà Nội đã áp dụng cơ chế đặc thù, tổ chức thi và tuyển chọn 500 sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá trở lên và người có trình độ thạc sĩ để đào tạo cán bộ nguồn. Hằng năm, thành phố đều tổ chức lễ tuyên dương sinh viên xuất sắc, thủ khoa các trường đại học, cao đẳng và có chính sách thu hút, tuyển dụng những sinh viên có kết quả học tập cao, tạo môi trường công tác tốt, thu hút những trí thức giỏi và động viên họ nỗ lực công tác, cống hiến. Với chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô, nhiều đối tượng được ưu tiên tiếp nhận hoặc xét đặc cách tuyển dụng không qua thi tuyển, được hưởng hỗ trợ đãi ngộ một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng.
Để tạo tiền đề vững chắc cho nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai, ngành GD-ĐT Thủ đô không chỉ mở rộng quy mô mà còn đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng mũi nhọn có nhiều tiến bộ, từng bước rút ngắn khoảng cách về chất lượng giữa các vùng miền trên địa bàn. Tỷ lệ số đối tượng trong độ tuổi (18-21 tuổi) hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học đạt 85,91%, trong đó số đối tượng có bằng tốt nghiệp THPT, bổ túc văn hóa và bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp đạt 83,6%, số đối tượng có bằng nghề đạt 2,34%.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được đặc biệt quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại, tạo nên diện mạo mới cho các nhà trường. Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục Thủ đô và Quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được thành phố phê duyệt, tạo điều kiện về pháp lý, cơ chế, đất đai, tài chính nhằm tăng cường cơ sở vật chất cho ngành, thu hút mọi nguồn lực để đầu tư phát triển giáo dục. Việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh ở các cấp học, bậc học mang lại kết quả quan trọng. Việc tiếp tục triển khai giảng dạy bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội" ở tất cả các trường phổ thông đạt được kết quả tốt và đáp ứng được nhu cầu học tập của các em học sinh, được ghi nhận là góp sức thiết thực và ý nghĩa trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc người Hà Nội.
Trong lĩnh vực lao động việc làm, riêng trong năm 2014, Hà Nội đã vượt chỉ tiêu đặt ra khi giải quyết việc làm cho hơn 140 nghìn lao động, xét duyệt trên 2.500 dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, tạo việc làm cho trên 30.000 lao động. Tại các phiên giao dịch việc làm, 4.320 doanh nghiệp tham gia đã tạo việc làm cho 17.000 lao động. Hiện trên địa bàn Hà Nội có 316 đơn vị trong hệ thống dạy nghề. Năm 2014, các cơ sở đã tuyển sinh và đào tạo được 148.992 lượt người trong độ tuổi lao động. Đặc biệt, để tăng cường việc tạo việc làm cho người lao động, quy hoạch mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn thành phố sẽ được hoàn thành trong năm 2015. |