Nhà thơ Inrasara nói về "Những trào lưu thơ Việt đương đại"
Văn hóa - Ngày đăng : 15:48, 30/06/2015
Nhà thơ Inrasana |
Nhà thơ Inrasara từng được bầu là nhân vật văn hóa năm 2005, từng gặt hái nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như Pháp, Úc… Hiện Inrasara là phó Chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam. Trước khi trở thành một nhà phê bình nổi tiếng, Inrasara đã từng nổi tiếng vì dũng cảm bỏ học giữa chừng khi đang là sinh viên ĐH Sư phạm TP.HCM, rồi tiếp tục từ bỏ công việc biên soạn sách để được tự do dấn thân vào lãnh địa Thơ và con đường nghiên cứu văn học.
Mang trong mình dòng máu Chăm hoang dã, cái “Tôi” mang khuynh hướng tự do, giọng văn cũng như lối phê bình văn học của Inrasara vì thế mang sắc màu rất riêng biệt: phóng túng, khách quan, nhiều gợi mở…
Đến với talk show “Những trào lưu thơ Việt đương đại”, nhà thơ Inrasara sẽ cho người thưởng thức nhìn lại chặng đường phát triển 30 năm của thơ Việt kể từ ngày đất nước đổi mới.
Thơ Việt đang thế nào? đã có bao nhiêu trào lưu xuất hiện? - Đó là câu hỏi không dễ trả lời, nhưng sẽ được nhà thơ Inrasara bóc tách và bàn luận thẳng thắn, khách quan cùng nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn trong talk show “Những trào lưu thơ Việt đương đại”.
Theo nhà thơ, hiện có tới hơn về 7 trào lưu đã xuất hiện. Theo nhà thơ Inrasara: “Tôi muốn chẩn bệnh cho thơ- mặc dù có thể sai. Thơ ngày nay phát triển bùng nổ, rất khó nắm bắt. Người sáng tác thơ luôn mang trong mình dòng máu phiêu lưu, nên họ sẽ đi tìm những vùng đất mới lạ cho thơ. Cùng với thế giới, thơ Việt cũng phải chuyển động, không nên ngưng nghỉ. Cho nên trước một hiện tượng văn chương mới, chúng ta không vùi dập hay vứt bỏ nó, mà phải bày nó ra. Phải tìm hiểu xem thơ đó định nói gì. Thơ đổi mới rất hay nhưng không phải ai làm thơ đổi mới cũng hay”.