"Cuộc đua" trước hạn chót

Thế giới - Ngày đăng : 06:20, 30/06/2015

(HNM) - Cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran tại thủ đô Vienna (Áo) đang tiến gần những phút cuối của hạn chót - ngày 30-6.

Vòng đàm phán cuối cùng trước hạn chót về chương trình hạt nhân của Iran.



Trong quá trình đàm phán, từ tháng 11-2013, Iran và Nhóm P5+1 đã đạt thỏa thuận tạm thời. Sau nhiều vòng đàm phán, đầu tháng 4 vừa qua, hai bên đã đạt được một thỏa thuận khung và ấn định hạn chót vào hôm nay 30-6 để đạt đến thỏa thuận toàn diện cuối cùng, khép lại hồ sơ hạt nhân Iran - Một trong những hồ sơ gai góc nhất trong quan hệ quốc tế đương đại. Kết quả từ những vòng đàm phán mới nhất cho thấy, lập trường của Iran và P5+1 trong nhiều khía cạnh đã xích lại gần nhau. Song các bên vẫn còn bất đồng về quy chế bãi bỏ trừng phạt Iran cùng các thể thức của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các cơ chế quốc tế nhằm kiểm soát việc thực hiện thỏa thuận.

Trong ngày làm việc cuối cùng trước hạn chót - vòng đàm phán bước ngoặt được bắt đầu từ ngày 27-6, các bên đã tập trung thảo luận văn kiện cuối cùng được cho là nhằm xóa bỏ hoàn toàn mối lo ngại của cộng đồng thế giới về chương trình phát triển hạt nhân của Iran với mục đích quân sự; đồng thời, kết thúc các cuộc đàm phán kéo dài hơn một thập kỷ qua. Các quan chức cấp cao của Mỹ và Iran đều nhận thấy rằng, các bên vẫn cần nỗ lực hết sức để giải quyết bất đồng. Vì thế, hai nội dung then chốt là thời gian và phạm vi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Tehran cũng như tiến trình giám sát, kiểm tra để bảo đảm Iran tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận được các bên đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, cuộc đàm phán đang diễn ra không có sự tham gia của các Bộ trưởng Ngoại giao do đã về nước để tham vấn. Chỉ khi đàm phán đạt được sự đồng thuận, họ mới được mời lại Vienna để tiến tới ký kết một thỏa thuận mang tính lịch sử. Trong lúc nhiều người lạc quan về một thỏa thuận toàn diện có thể đạt được vào phút chót thì không ít nhà ngoại giao lại thận trọng cho rằng, cơ hội đạt được thỏa thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân của Iran là rất khiêm tốn. Và dự báo, cuộc đàm phán sẽ phải "triển hạn" nếu nội nhật hôm nay (giờ Châu Âu), các bên không giải quyết được các bất đồng.

Giữa lúc Iran và Nhóm P5+1 đang tận dụng những thời khắc cuối cùng trước hạn chót để đàm phán, các nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng phản đối một thỏa thuận "yếu" - có nhiều nhượng bộ với Ian - và cảnh báo có thể Quốc hội Mỹ sẽ cản trở nếu thỏa thuận phạm vào "giới hạn đỏ". Theo nhiều nhà lập pháp có ảnh hưởng trong Quốc hội, Mỹ không nên dỡ bỏ bất kỳ biện pháp trừng phạt nào trước khi Tehran bắt đầu tuân thủ thỏa thuận; đồng thời yêu cầu một cơ chế kiểm tra cứng rắn, các thanh sát viên có thể tới kiểm tra các cơ sở hạt nhân của Iran mọi lúc mọi nơi. Nếu bỏ qua các yêu cầu này, bất kỳ thỏa thuận nào cũng vấp phải nguy cơ do Đạo luật "Rà soát Hiệp định hạt nhân với Iran" được Tổng thống Barack Obama ký ban hành vào tháng trước. Đạo luật quy định, Nhà Trắng không được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran trong ít nhất 30 ngày khi các nhà lập pháp đang trong quá trình xem xét hiệp định cuối cùng mà Nhóm P5+1 và Iran có thể đạt được. Trong khi đó, lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, Đại Giáo chủ Ali Khamenei cũng tuyên bố các "giới hạn đỏ" khi yêu cầu LHQ và Mỹ ngay lập tức dỡ bỏ trừng phạt; đồng thời phản đối việc cho phép các thanh sát viên LHQ vào Iran.

Sau nhiều năm đàm phán căng thẳng và 20 tháng cấp tập thương lượng, giờ đây là thời điểm lịch sử để các bên có thể ký kết một thỏa thuật hạt nhân toàn diện với Iran. Theo đó, chương trình hạt nhân của Tehran chỉ phục vụ mục đích dân sự. Đổi lại, quốc tế sẽ dỡ bỏ trừng phạt quốc gia Hồi giáo này từ năm 2005 đến nay. Thế nhưng, một thỏa thuận bước ngoặt để chấm dứt nguy cơ hạt nhân có đạt được hay không trong hôm nay lại không thể do một bên quyết định. Tất cả đang hướng về Vienna để chờ đợi và hy vọng...

Đình Hiệp