Nắm chắc quy chế để tránh thiệt thòi
Giáo dục - Ngày đăng : 05:19, 30/06/2015
Đây là kỳ thi lần đầu tiên áp dụng quy chế mới, với "mục tiêu kép" là vừa xét chặng đường 12 năm đèn sách ở phổ thông, vừa làm căn cứ để tuyển sinh vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt là điều tiên quyết để đạt kết quả tốt nhất tại kỳ thi.
Sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt là điều tiên quyết để thí sinh đạt kết quả tốt tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Ảnh: Nhật Nam |
Sẵn sàng trước giờ "G"
Năm 2015, cả nước có 38 cụm thi THPT quốc gia do các trường ĐH chủ trì tổ chức cho các TS dự thi với hai mục đích: Vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa tuyển sinh ĐH, CĐ; ngoài ra, tại các địa phương còn có các cụm thi do Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức dành cho những TS chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT. Nhằm hướng dẫn kịp thời cho TS, phụ huynh trong kỳ thi này, Bộ GD-ĐT phối hợp với các đơn vị liên quan đã triển khai chương trình "Tiếp sức mùa thi" tại tất cả các tỉnh, thành phố từ ngày 28-6 đến 5-7, tập trung tại 23 địa phương có nhiều cụm thi, mỗi nơi đều có từ 1 đến 2 số điện thoại nóng được công khai.
Với một kỳ thi có rất nhiều điểm mới, khâu chuẩn bị được xác định có vai trò quan trọng, góp phần vào sự thành công của kỳ thi. Trong hơn nửa tháng qua, ngoài sự chủ động tích cực của ban chỉ đạo thi các địa phương, nhiều đoàn của Bộ GD-ĐT đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị phục vụ kỳ thi ở các địa phương, nhất là ở các tỉnh khó khăn. Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Kết quả kiểm tra cho thấy, mọi công việc phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia tại các địa phương đã hoàn tất. Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cụm thi phải tổ chức kỳ thi nghiêm túc, song không gây lo lắng, căng thẳng cho TS... Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi các cụm thi tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi TS và người nhà TS tham dự kỳ thi THPT quốc gia.
Tại Hà Nội, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo thi thành phố vừa diễn ra, đại diện 9 cụm thi THPT trên địa bàn đều khẳng định sẵn sàng các điều kiện bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn. Sở Giao thông - Vận tải cho biết, nhu cầu di chuyển năm nay khác so với các năm trước do lượng TS rải đều ở các quận, huyện. Đơn vị cam kết tăng cường số lượng xe, có phương án dự phòng vào giờ cao điểm, đáp ứng việc di chuyển kịp thời, an toàn, không để TS bị muộn giờ thi. Công tác tổ chức giao thông được phân luồng từ xa, hạn chế các loại xe lớn đi vào trục đường có điểm thi. Lực lượng công an có kế hoạch bảo vệ kỳ thi ở tất cả các khâu, từ in sao, vận chuyển đề, bài thi, bảo đảm an toàn cả vòng trong và vòng ngoài.
Tránh mất điểm oan
Với một kỳ thi có "mục đích kép", lại có rất nhiều điểm mới thì ngoài chuẩn bị kỹ về kiến thức, việc nắm vững quy chế là yêu cầu cần thiết đối với mỗi TS. Theo các thầy, cô giáo, đây là điều các TS luôn được nhắc nhở trước kỳ thi và cả ngay trước mỗi buổi thi; song thực tế, năm nào cũng có trường hợp TS mất điểm oan vì những lỗi rất đáng tiếc, điển hình là mang theo điện thoại di động, nhầm loại bút, tẩy xóa lỗi trong bài thi sai quy cách…
Đến trường thi đúng giờ là điều đầu tiên mà mọi TS đều phải ghi nhớ, nếu chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài, TS sẽ không được dự thi. Do đây là kỳ thi có nhiều môn thi, số lượng môn thi của mỗi TS lại không giống nhau, nên TS còn cần phải ghi nhớ lịch thi của mình để đến đúng giờ thi, phòng thi. Ví dụ, ngoài 3 môn thi bắt buộc (thi vào ngày 1 và sáng 2-7), TS đăng ký dự thi thêm môn hóa học và sinh học (để xét tuyển ĐH khối B) thì cần nhớ lịch thi của mình lần lượt là chiều 3-7 và chiều 4-7.
Theo quy chế năm nay, việc xử lý TS sai phạm được áp dụng theo hướng chặt chẽ hơn và có nhiều mức độ xử lý sai phạm, chứ không chỉ là đình chỉ thi như trước. Cụ thể, việc kỷ luật TS được chia làm 3 mức: Khiển trách, cảnh cáo và đình chỉ thi. Ban chấm thi sẽ trừ 25% số điểm bài thi của TS bị khiển trách; trừ 50% số điểm bài thi của TS bị cảnh cáo; nếu TS bị đình chỉ thì bài thi bằng 0.
Ông Bùi Quang Thái, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho rằng, với nhiều điểm mới của kỳ thi, nếu TS không nắm được quy chế sẽ rất thiệt thòi. Đơn cử, nếu TS làm tốt 3 môn thi, đến môn thứ 4 do bị ốm đột xuất trong khi thi nên không thể làm hết bài. Nếu không thuộc quy chế, rất có thể TS sẽ vẫn nộp bài thi chưa hoàn chỉnh đó. Và nguy cơ bị điểm dưới 5 là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Thực tế, nếu chiểu theo quy chế mới, TS có thể lựa chọn phương án tự nguyện không nộp bài thi để sau đó làm thủ tục xin đặc cách xét tốt nghiệp THPT. Lúc này, điểm thi có trách nhiệm lập biên bản mô tả sự việc, coi đây là trường hợp vắng thi và hướng dẫn TS làm các thủ tục theo quy định. Đây là những điểm mới không chỉ TS cần thuộc, mà cả lãnh đạo điểm thi, cán bộ coi thi đều phải ghi nhớ để hỗ trợ cho TS ở mức cao nhất, bảo đảm quyền lợi cho TS.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 diễn ra trong 4 ngày: - Ngày 1-7: Sáng thi toán, chiều thi ngoại ngữ. - Ngày 2-7: Ngữ văn, vật lý. - Ngày 3-7: Địa lý, hóa học. - Ngày 4-7: Lịch sử, sinh học. Các môn thi theo hình thức tự luận: Toán, ngữ văn, địa lý, lịch sử; thời gian làm bài 180 phút/môn. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm, 90 phút/môn, riêng môn ngoại ngữ sử dụng hình thức thi trắc nghiệm và viết. |