Đồng chí Nguyễn Văn Linh với Đảng bộ và nhân dân Thủ đô
Chính trị - Ngày đăng : 19:35, 29/06/2015
Đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã để lại những tình cảm và dấu ấn sâu sắc về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là trong những năm đầu Thủ đô thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Hànộimới Điện tử xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc những nội dung chính của bài tham luận quan trọng này:
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm Nhà máy Dệt 29-3 (ngày 18-2-1989). Ảnh: NGỌC HỢI |
Là nhà lãnh đạo có uy tín với Đảng và nhân dân, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có nhiều đóng góp với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đặc biệt với vai trò tiên phong trong công cuộc đổi mới. Trong giai đoạn 1975 - 1986, với trọng trách là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí đã có những quyết sách quan trọng, tập trung tháo gỡ những khó khăn của cơ chế quản lý hành chính, quan liêu bao cấp, giải phóng sức sản xuất, góp phần đưa kinh tế Thành phố vượt qua khó khăn, khủng hoảng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, với tinh thần tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, Đại hội lần thứ X Đảng bộ Thành phố Hà Nội (tháng 10/1986) đã xác định phải đổi mới cách nghĩ, cách làm, đổi mới công tác tổ chức cán bộ, nhằm thực hiện cho được mục tiêu: Xóa bỏ cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển hoạt động sang hạch toán kinh doanh. Đây là tiền đề quan trọng để Thủ đô Hà Nội cùng cả nước tiến hành sự nghiệp đổi mới.
Tại Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trên cương vị mới, cùng với Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí đã có những đóng góp to lớn, chủ động, sáng tạo đưa cách mạng Việt Nam vượt qua chặng đường khó khăn, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu quan trọng. Với trọng trách Tổng Bí thư, đồng chí đã dành nhiều thời gian đi thăm, khảo sát tình hình thực tế trên địa bàn Thủ đô, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã dành nhiều thời gian đi thăm, khảo sát tình hình thực tế trên địa bàn, động viên tinh thần cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô ra sức tìm tòi, sáng tạo, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng.
Với phong cách giản dị, gần gũi nhân dân, sâu sát thực tiễn, trong các năm 1986 - 1987, đồng chí đã đến thăm, động viên nhiều phường, xã, nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã thủ công nghiệp ở Hà Nội. Chính từ đây, đồng chí đã có những chỉ đạo hết sức đúng đắn, quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong những năm đầu thời kỳ đổi mới.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh thăm và làm việc tại Nhà máy Công cụ số 1 ngày 3.3.1987 |
Ngày 28/1/1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về thăm cán bộ, đảng viên và nhân dân phường Nguyễn Trãi (nay là phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa). Đồng chí đã biểu dương những cố gắng mà Đảng bộ phường đã đạt được và nhắc nhở cấp ủy Đảng, chính quyền phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân trong phường hăng hái tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tháng 1/1987, đồng chí về dự lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại” tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm. Tháng 3/1987, đồng chí về thăm công nhân Nhà máy chế tạo máy công cụ số 1 (nay là nhà máy cơ khí Hà Nội); công nhân Nhà máy dệt 8/3 (nay là Công ty dệt 8/3). Đối với các nhà máy, Hợp tác xã thủ công, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh luôn tìm hiểu cơ chế quản lý, tình hình sản xuất, hiệu quả công việc. Đến thăm Hợp tác xã Minh Phương (quận Hoàn Kiếm), ngày 16/9/1987, một cơ sở chuyên sản xuất máy bơm thuốc trừ sâu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau khi nghe đồng chí chủ nhiệm Hợp tác xã báo cáo quá trình sản xuất kinh doanh, thấy rõ những khó khăn, thuận lợi và những ràng buộc bởi cơ chế quản lý hành chính quan liêu bao cấp nói chung tác động mà Hợp tác xã phải gánh chịu, đồng chí Nguyễn Văn Linh nêu rõ: “Chúng ta phải tự cứu mình trước khi trời cứu”. Xuống nơi sản xuất, đồng chí băn khoăn khi thấy hàng trăm máy bơm thuốc trừ sâu còn nằm tồn đọng trong kho nhưng hợp tác xã không được bán trực tiếp, trong khi nông dân nhiều nơi không có máy dùng. Đồng chí nói với đồng chí Bí thư Thành ủy: “Đây là hệ quả rõ nhất của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Đảng phải cởi trói cho doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ, có như vậy mới đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực”. Đến thăm làng gốm Bát Tràng (ngày 10/9/1987) đồng chí rất phấn khởi khi được biết ở làng nghề có nhiều nghệ nhân tài hoa làm ra những sản phẩm gốm mỹ nghệ xuất khẩu mang lại lợi nhuận cao. Tổng Bí thư đã đề nghị với lãnh đạo thành phố Hà Nội cần có cơ chế, chính sách, động viên, khuyến khích làng nghề làm ra nhiều sản phẩm tốt hơn nữa để cung cấp cho thị trường và cho xuất khẩu…
Trong những năm đầu Đảng bộ Hà Nội thực hiện đường lới đổi mới, có nhiều vấn đề mới phức tạp nảy sinh đòi hỏi phải xử lý kịp thời. Với tầm nhìn tư duy chiến lược nhạy bén, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có những ý kiến chỉ đạo sâu sắc và kịp thời đối với Thủ đô.
Năm 1987, vấn đề nóng bỏng và cấp bách của Hà Nội khi đó là lưu thông phân phối. Thành ủy Hà Nội đã tổ chức quán triệt và đề ra những biện pháp cấp bách nhằm ổn định giá cả, đổi mới công tác quản lý tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, cải tiến phân phối lưu thông. Đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn trăn trở, tìm tòi giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Hà Nội, ngày 21/10/1987, Tổng Bí thư đã trực tiếp viết thư gửi đồng chí Trần Tấn, Chủ tịch UBND Thành phố, chỉ đạo, gợi mở một số việc cụ thể để Hà Nội mở rộng trao đổi hàng hóa với các tỉnh phía Nam, góp phần ổn định, cải thiện đời sống cho nhân dân.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo ngành thương nghiệp đẩy mạnh công tác thu mua, nắm nguồn hàng. Các cơ sở thương nghiệp quốc doanh đã chủ động liên doanh, liên kết với các đơn vị trên địa bàn và các tỉnh, thành trong cả nước để khai thác thêm hàng hóa, vật tư cho sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng thủ công… Đến cuối năm 1987, hàng hóa Thành phố tự khai thác đã tăng tỷ trọng từ 30% lên 55% tổng mức hàng hóa trên địa bàn; hàng hóa bán ra gấp 4,7 lần so với năm 1986. Năm 1988, hàng hóa tự khai thác đạt 112,5 tỷ đồng tăng gấp 3 lần năm 1987; cùng với hàng hóa do Trung ương cung ứng làm cho hàng hóa trên thị trường Hà Nội phong phú hơn, không còn tình trạng “chỉ có cửa hàng mà không có hàng”, làm giảm đáng kể thời gian nhân dân chờ đợi mua hàng.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VI) về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã đón nhận được sự quan tâm rất lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Tại Hội nghị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 31/10/1988, đồng chí nêu rõ:“Mấy năm qua, nhìn chung chúng ta còn coi nhẹ và chưa thực hiện tốt việc quy hoạch cán bộ. Đảng ta đào tạo được nhiều cán bộ có kiến thức và trình độ lý luận, nhưng lại thiếu kiến thức thực tiễn, thoát ly thực tế, không gắn bó với cơ sở, do đó chất xám để lãng phí rất lớn và không phát huy được tác dụng vào sản xuất. Ngược lại, nhiều cán bộ gắn bó với phong trào quần chúng, sâu sát thực tiễn lại không được đào tạo bồi dưỡng cả về lý luận chính trị và kiến thức quản lý kinh tế. Tiêu chuẩn quan trọng nhất của cán bộ, đảng viên hiện nay là tích cực ủng hộ sự đổi mới, có kiến thức, phẩm chất và năng lực thực hiện đổi mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Điều đó đòi hỏi quy hoạch cán bộ càng tiến hành sớm càng có điều kiện chủ động và như vậy mới có đội ngũ cán bộ để thay thế”. Tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn.
Trong những năm 1989 - 1990, khủng hoảng chính trị ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã tác động tiêu cực đối với cả nước cũng như Thủ đô Hà Nội. Song, được sự quan tâm lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, trực tiếp là của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tình hình kinh tế - xã hội ở Thủ đô tiếp tục chuyển biến tích cực theo cơ chế mới, giá cả thị trường tương đối ổn định. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1990), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã gửi thư tới toàn thể Đảng viên và đồng bào cả nước kêu gọi đẩy mạnh công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thành ủy Hà Nội đã mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng thảo luận thư của Ban Chấp hành Trung ương, diễn văn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới.
Ý thức sâu sắc tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”, thông qua các bài viết “Những việc cần làm ngay” với bút danh N.V.L, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô và cả nước. Tư tưởng về dân chủ, công khai, nói đi đôi với làm, đặc biệt là quyết tâm chống tiêu cực, trì trệ, quan liêu, lãng phí của đồng chí cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
Tháng 2/1990, trong lần gặp gỡ cán bộ lão thành tại Hà Nội, trước những ý kiến trao đổi chân thành với đồng chí Tổng Bí thư: Hãy hết sức cẩn trọng, quyết “không để tay nọ đánh vào tay kia”. Đồng chí Nguyễn Văn Linh nói rõ quan điểm: Chúng ta không nên cẩn trọng tới mức rụt rè. Có gì sai chúng ta nói rõ sự thật, dù là sự thật đau lòng để cùng nhau khắc phục, cùng nhau sửa chữa để tiến bộ.
Hưởng ứng “những việc cần làm ngay” do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề xướng và thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Bí thư Trung ương, các cấp ủy từ Thành phố đến cơ sở đã tập trung: đổi mới và tăng cường công tác tư tưởng; sắp xếp tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể; xây dựng đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo, xây dựng lề lối làm việc khoa học, cụ thể, thiết thực, nói đi đôi với làm, tăng cường kiểm tra, sâu sát cơ sở. Đồng thời, chủ động rà soát, xem xét, xử lý các vụ việc tồn đọng, phát sinh mới và kiểm điểm, kỷ luật cán bộ vi phạm. Cuối năm 1990, Ban Thường vụ Thành ủy quyết định thành lập Ban chỉ đạo chống tham nhũng. Các cơ sở cũng đều thành lập Ban chỉ đạo và có kế hoạch triển khai việc đấu tranh chống tham nhũng tập trung vào một số ngành và lĩnh vực trọng điểm: ngân hàng, tín dụng, thuế, xuất nhập khẩu, cấp đất, cấp phép xây dựng và đấu thầu xây dựng... Chỉ sau 2 tháng thực hiện đã có 180 đơn thư tố cáo các hiện tượng, hành vi tham nhũng. Thành phố và các cấp, các ngành đã kiểm tra, thanh tra 158 vụ việc bước đầu làm rõ địa chỉ và những cá nhân tham nhũng, tiến hành xử lý kịp thời. Thành phố và các quận, huyện đã tập trung chỉ đạo giải quyết những tiêu cực của ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân, góp phần ổn định tư tưởng nhân dân.
Sự quan tâm và những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã được Đảng bộ Thành phố Hà Nội vận dụng triển khai thực hiện, mang lại những kết quả ban đầu rất quan trọng. Trong 5 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới (1986 - 1990), đã dần xóa bỏ cơ chế tập trung, bao cấp, từng bước hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, hoạt động kinh tế sôi động hơn. Đã chặn đà khủng hoảng kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm xã hội trong 5 năm (1986 - 1990) đã đạt 2,5%, đã xuất hiện các điển hình tốt trong các thành phần kinh tế. Nộp ngân sách của các đơn vị quốc doanh năm 1990 tăng gấp 7 lần năm 1987, sản lượng lương thực quy thóc trong hai năm 1989 - 1990 đạt hơn 50 vạn tấn, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đề ra, đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận nhân dân bước đầu được cải thiện, một số công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng và hoàn thiện, dân chủ trong xã hội tiếp tục được phát huy.
Đặc biệt, Hà Nội được vinh dự đón đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu lần thứ XI Đảng bộ Thành phố Hà Nội, tháng 4/1991. Tổng Bí thư đã biểu dương, ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô trên các lĩnh vực. Tổng Bí thư chỉ rõ: “Bao giờ cũng vậy, đổi mới là một cuộc cách mạng, cho nên bên cạnh mặt tốt, phát triển thì xuất hiện ra những mặt không tốt. Lập tức công tác lãnh đạo phải nhạy bén, nắm ngay lấy và uốn nắn ngay, kể cả những mặt tốt chỉ mới tốt một phần thôi, phải phát huy để hoàn chỉnh nó thêm. Những mặt tốt, những mô hình tốt trên nhiều lĩnh vực công tác xuất hiện nơi này, nơi khác chưa phổ biến thì ta phải đi ngay vào để sơ kết, tổng kết và dùng những phương tiện báo chí, sách vở, tài liệu, đài phát thanh, truyền hình để phổ biến làm cho cái tốt xuất hiện còn loáng thoáng, nơi này, nơi kia trở thành phổ biến và nhân rộng ra”. Thực hiện sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã vượt qua những khó khăn, thách thức, giành nhiều thắng lợi trong công cuộc đổi mới những năm tiếp theo.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về thăm Vạn Phúc ngày 03/4/1990 |
Nhìn lại chặng đường gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã vận dụng sáng tạo, thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng và đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực của đời sống - xã hội Thủ đô. Đảng bộ và hệ thống chính trị các cấp của Thành phố ngày càng vững mạnh. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm, đối ngoại được mở rộng, tăng cường. Vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao.
Tự hào, phấn khởi về những kết quả đạt được trong gần 30 năm đổi mới trên các lĩnh vực, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội luôn ghi nhớ và khắc sâu tình cảm, sự quan tâm và những công lao to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với Thủ đô Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã về với thế giới người hiền, nhưng hình ảnh đồng chí - một chiến sĩ cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và nhân dân Việt Nam vẫn mãi còn in đậm, không phai mờ trong lòng cán bộ và nhân dân Thủ đô. Gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, từng giữ cương vị cao nhất của Đảng và cách mạng Việt Nam, đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho Đảng, cách mạng và dân tộc. Đồng chí có vai trò rất quan trọng trong những năm đầu đổi mới, với sự kiên định, nhất quán, kiên quyết bảo vệ Đảng, chế độ trước bao gian khó, thử thách của lịch sử.
Đảng bộ và nhân dân Hà Nội luôn khắc ghi hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gần gũi, thân thương với cán bộ và nhân dân Thủ đô, luôn là biểu tượng trong công cuộc đổi mới, là nguồn động lực to lớn cổ vũ các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trên con đường đổi mới. Ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã trân trọng đặt tên Đồng chí cho một con đường giao thông huyết mạch của Thủ đô tại quận Long Biên.
Tưởng nhớ, biết ơn, học tập đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội nguyện không ngừng nỗ lực phấn đấu, vươn lên về mọi mặt, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH để xứng đáng với sự tin yêu của toàn Đảng, toàn dân và của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh kính mến.