Chấm dứt tình trạng "dàn hàng ngang"

Kinh tế - Ngày đăng : 07:26, 29/06/2015

(HNM) - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố bộ chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ, ngành (MEI) trong năm 2014. Đây chính là góc nhìn phản chiếu của giới doanh nghiệp (DN) về các hoạt động của cơ quan quản lý cũng như một số

Đã có sự tiến bộ đáng kể

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, việc nâng cao hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật luôn là nhu cầu tự thân của cả hệ thống quản lý cũng như gắn liền với quyền lợi, nghĩa vụ của DN. Viện dẫn thực tiễn, ông Lộc cho rằng, nhờ những cải cách của Bộ Tài chính và ngành thuế nên thời gian nộp thuế tiếp tục giảm xuống, tiến tới mức ngang bằng với mức trung bình của các nước ASEAN 6.

Doanh nghiệp rất kỳ vọng vào các công tác xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ, ngành trong thời gian tới. Ảnh: Bá Hoạt



Các bộ khác cũng có những cải cách tương tự, như việc bãi bỏ gần 3.000 thủ tục thông qua việc rà soát văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư và kinh doanh đã mang lại hiệu quả thực tế. Song, những nỗ lực về cải cách hành chính, gỡ bỏ những thủ tục, rào cản bất hợp lý vẫn là chặng đường không có điểm dừng, càng không thể thỏa mãn xét từ phía các bộ, ngành. VCCI cho rằng, so với kỳ vọng của cộng đồng DN về một hệ thống quản lý hiệu quả thì vẫn còn một khoảng cách xa. Trong đó, mảng tối nhất của MEI lần này là hoạt động và chất lượng soạn thảo văn bản pháp luật; trong khi hoạt động tổ chức thực thi lại được các DN đánh giá cao. Điều này có phần hơi bất ngờ và trái chiều về tâm lý chung. Vì từ lâu, xã hội vẫn mặc định rằng, pháp luật cũng như chính sách thường đúng và chỉ có việc thực hiện là chưa tốt...

MEI lần này bao gồm một số chỉ tiêu đánh giá: Chỉ số soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); chất lượng VBQPPL; công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật và cuối cùng là rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật thông qua ý kiến của 228 hiệp hội DN. Tính chung, 4/5 chỉ số của các bộ nói trên đã tăng điểm so với MEI 2012, với mức tăng trung bình là 10%; 3/5 chỉ số có điểm trung bình khá, đặc biệt có chỉ số về hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật đạt mức điểm khá cao (70,46 điểm).

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó ban Pháp chế VCCI, việc gia tăng nói trên cho biết các bộ không còn chỉ thực hiện vừa đủ nghĩa vụ, mà bắt đầu có những nỗ lực nhất định để thực hiện hết trách nhiệm của mình. Tình trạng "dàn hàng ngang" về điểm số giữa các bộ đã chấm dứt. Đáng chú ý, riêng hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật đã có sự cải thiện đáng kể khi tăng tới gần 26% so với năm 2012. Xét cụ thể, sự cải thiện mạnh mẽ nhất và xếp hạng đầu thuộc về Bộ GT-VT. Xét theo các tiêu chí thì "mỗi bộ một vẻ", như về tiêu chí hiệu quả soạn thảo VBQPPL thì các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng hàng đầu, trong khi vị trí cuối bảng thuộc về các bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế. Đối với chỉ số chất lượng VBQPPL thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở vị trí số 1, trong khi Bộ Y tế đứng hạng cuối. Về chỉ số hiệu quả công khai, tuyên truyền phổ biến pháp luật lại ghi nhận Bộ Thông tin và Truyền thông đứng đầu, trong khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đứng cuối…

Sự đánh giá của DN

Thực tế cũng cho thấy, nếu việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chưa làm hài lòng DN tức là quá trình này chưa đủ minh bạch, việc tham vấn và trưng cầu ý kiến DN và đối tượng thi hành của một số bộ ngành còn đại khái, qua loa. Hậu quả là các văn bản này chưa phản ánh được hơi thở và đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống; thậm chí có văn bản vừa thông qua đã phải chỉnh sửa ngay, gây bức xúc dư luận.

Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GT-VT) cho biết, để đạt được sự chuyển biến tích cực, lãnh đạo bộ này rất quan tâm xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật. Hàng tháng, Bộ trưởng chủ trì cuộc họp về công tác này với sự tham gia của cấp trưởng các đơn vị. Ai vắng mặt để cấp phó họp thay phải báo cáo và được sự đồng ý của bộ trưởng. Sự quyết tâm của người đứng đầu đã lan tỏa xuống các đơn vị… Tương tự, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng rất chú trọng công tác cung cấp thông tin một cách công khai, minh bạch tới các DN, nhất là khi cần xin ý kiến đóng góp để xây dựng VBQPPL. Bên cạnh đó, công tác tiếp nhận thông tin phản hồi từ đối tượng chịu sự tác động của văn bản cũng được thực hiện một cách bài bản.

Tóm lại, DN kỳ vọng các bộ chỉ nên tập trung vào nhiệm vụ hoạch định chính sách, thể chế, quy hoạch để định hướng phát triển, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm sự lành mạnh của thị trường... Đặc biệt, cần giảm bớt chức năng chủ quản của các bộ để tập trung vào chức năng cốt lõi là thiết lập thể chế, tạo dựng hành làng pháp lý cho DN hoạt động.

Hồng Sơn