Tiền đề cho tái cơ cấu thị trường xuất khẩu

Kinh tế - Ngày đăng : 07:19, 29/06/2015

(HNM) - Mở rộng quy mô xuất khẩu thông qua việc đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào những thị trường mới, có tiềm năng lớn là mục tiêu quan trọng hàng đầu của nền kinh tế nói chung và hoạt động ngoại thương nói riêng trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay.

Hàng tiêu dùng là một trong những lĩnh vực có điều kiện thâm nhập thị trường Liên minh kinh tế Á - Âu. Ảnh: Linh Ngọc 



Theo các chuyên gia, chưa bao giờ Việt Nam đứng trước nhiều vận hội, có tính hội tụ điều kiện thuận lợi để tăng cường xuất khẩu như hiện tại, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp được ký kết như: WTO, FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt với liên minh kinh tế Á - Âu và sắp tới là FTA của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và "khủng" nhất là Hiệp định đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Từ đó, Bộ Công thương đang tập trung tuyên truyền, khuyến nghị DN những điều cần biết, cần tận dụng nhằm mục tiêu mở rộng thị trường càng sớm càng tốt. DN được khuyến khích thực hiện việc thay đổi, tái cơ cấu thị trường xuất khẩu, hướng mạnh vào những khu vực, đối tác nói trên. Trong đó, DN thuộc lĩnh vực nông, thủy sản, hàng tiêu dùng sẽ có điều kiện thâm nhập thị trường liên minh kinh tế Á - Âu, với gần 500 triệu người tiêu dùng nhờ các nước này (Nga, Belarus, Kazakhtan, Armenia và Kyrgystan) cam kết cắt giảm thuế suất đối với phần lớn mặt hàng từ Việt Nam, chiếm khoảng 90% số dòng thuế. Đặc biệt, liên minh này khẳng định áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng thủy sản xuất khẩu Việt Nam. Có thể nói đây là thực tế rất đáng ghi nhận, có tác động trực tiếp cho DN ta trong việc tiêu thụ thủy sản - vốn là thế mạnh và còn nhiều tiềm năng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc ngư dân và DN sẽ đẩy mạnh đầu tư, mở rộng chuỗi sản xuất theo mô hình liên hoàn để tăng sản lượng và xuất khẩu. Nhiều việc làm mới và thu nhập có thể được tạo ra. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang liên minh sẽ tăng 18-20%/năm.

Các FTA đều có đặc điểm riêng, nhưng chủ yếu là những quy định có tính chất tương đồng, nhấn mạnh cho thuận lợi hóa thương mại, có lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa giữa các bên ký kết. Các DN đánh giá cao khả năng tiêu thụ hàng thông qua thực hiện cam kết trong khuôn khổ WTO, với hàng chục tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, da giày sang Mỹ, EU và Nhật Bản mỗi năm. Trong một diễn biến mới nhất, với tình hình được mùa một số nông sản, nhất là quả vải nhưng lại khó tiêu thụ ở nội địa và gặp bất lợi khi xuất qua đường tiểu ngạch phía Bắc, cơ quan chức năng kết hợp với DN đã chào hàng và được phía Mỹ, Australia chấp nhận nhập khẩu. Đặc biệt, cách đây khoảng 10 ngày, lô vải đầu tiên đã ra mắt thị trường Malaysia, với chất lượng cao hơn, giá bán rẻ hơn so với hàng của Thái Lan đã tạo tâm lý phấn khởi cho hàng chục vạn hộ gia đình tại các vùng nguyên liệu trong nước. FTA Việt Nam - Hàn Quốc vừa được ký kết và gần như toàn bộ hàng dệt may của ta sẽ được hưởng thuế suất 0% theo cam kết (thay vì mức 8 - 13% như trước), phía bạn cũng cắt giảm thuế quan đối với 95,4% số dòng thuế. Đây là điều kiện thuận lợi để hàng Việt tăng sức cạnh tranh, hấp dẫn hơn so với hàng một số nước khác trên thị trường này. Tác động tích cực cũng đến từ những FTA quy mô nhỏ, mà FTA giữa Việt Nam và Chile là một ví dụ, khi từng bước xóa bỏ thuế quan đối với hơn 99% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có gần 82% kim ngạch được xóa bỏ ngay. Qua đó, một số mặt hàng là thế mạnh của ta như dệt may, cà phê, chè, máy tính và linh kiện của ta được hưởng ưu đãi này và mang lại hiệu quả rõ rệt.

Nhìn lại hoạt động ngoại thương từ nhiều năm qua cho thấy, Việt Nam luôn bị thâm hụt trong giao dịch thương mại với một số quốc gia thuộc khu vực ASEAN và nhất là Trung Quốc do nhập khẩu nhiều và xuất khẩu ít. Điều này làm mất cán cân thanh toán cũng như gây ra sự phụ thuộc đối với DN vì "nghiêng" vào một vài thị trường. Ngoài ra, sự bất lợi có thể bất ngờ xảy ra, ảnh hưởng đến công tác hoạch định định hướng xuất nhập của cơ quan quản lý. Do đó, sự chuyển dịch, tái cơ cấu thị trường xuất khẩu như trên là rất tích cực, có tính chất bước ngoặt để DN Việt Nam bứt phá, cải thiện tình hình và gặt hái những kết quả toàn diện hơn.

Như vậy, nhiều cánh cửa lớn đang và sẽ sớm mở ra đầy hứa hẹn đối với DN, sản phẩm Việt. Trên thực tế, tham gia các FTA luôn mang lại nhiều cơ hội, điều kiện cho các đối tác tham gia và Việt Nam là một quốc gia biết chủ động đàm phán, tham gia một cách khôn khéo, đúng lúc. Nói như nhận định của nhiều tổ chức quốc tế thì, không bên nào bị thiệt khi tham gia vào hoạt động thương mại tự do toàn cầu, nhưng vấn đề là biết tận dụng đến đâu và Việt Nam luôn được đánh giá là nước được hưởng lợi nhiều hơn (so với các đối tác khác) khi tham gia các FTA.

Anh Minh