Tổ chức Đại hội Đảng bộ điểm cấp trên cơ sở
Chính trị - Ngày đăng : 06:51, 29/06/2015
LTS: Hôm nay 29-6, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thạch Thất lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020 chính thức khai mạc. Đây là đại hội điểm đầu tiên trong số 4 đại hội điểm cấp trên cơ sở được Thành ủy Hà Nội lựa chọn tổ chức nhằm rút kinh nghiệm chỉ đạo các Đảng bộ cấp trên cơ sở còn lại tổ chức thành công Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2015-2020, tạo tiền đề tổ chức thành công Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ TP Hà Nội.
Phấn đấu là huyện phát triển tiêu biểu của Thủ đô
Được Thành ủy Hà Nội chọn tổ chức đại hội điểm cho khối huyện của thành phố, từ nhiều tháng nay, Huyện ủy và các cấp, ngành đã chuẩn bị chu đáo để đại hội diễn ra thành công, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của toàn Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Kết thúc nhiệm kỳ 2010-2015 với nhiều khó khăn, thách thức, song các chỉ tiêu, mục tiêu Đảng bộ huyện đặt ra đều đạt ở mức cao và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Đây chính là nền tảng để Thạch Thất đẩy mạnh phát triển về công nghiệp, TTCN và sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, phấn đấu trở thành huyện tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.
Thạch Thất sẽ phát huy thế mạnh truyền thống làng nghề để trở thành huyện phát triển tiêu biểu. Ảnh: Bá Hoạt |
Phát triển kinh tế toàn diện, hiệu quả và bền vững
So với các huyện khác, Thạch Thất có thế mạnh nổi trội khi có Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội, 1 khu công nghiệp và 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích 160ha, thu hút gần 1.300 doanh nghiệp và hộ gia đình sản xuất ổn định, đóng góp lớn cho tổng thu nhập của địa phương, góp phần không nhỏ tăng thu ngân sách thành phố. Chưa kể, huyện còn có 10 làng được công nhận làng nghề truyền thống đã và đang giải quyết việc làm cho gần 37.000 lao động, gần 14.000 hộ sản xuất cơ kim khí, chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ trang trí nội thất và làm nhà cổ truyền thống có uy tín trong cả nước. Nếu khai thác hiệu quả những thế mạnh đó, chắc chắn Thạch Thất sẽ có bước đột phá mạnh mẽ. Nhận thức rõ điều này, trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã quyết tâm thực hiện Chương trình số 10 của Huyện ủy về "Đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn diện, hiệu quả, bền vững, xây dựng nông thôn mới từng bước nâng cao đời sống nhân dân huyện Thạch Thất giai đoạn 2011-2015". Nhiều giải pháp đồng bộ đã được Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sản xuất phát triển; điều chỉnh quy hoạch, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; nâng cấp hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường huyết mạch để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Một giải pháp nữa được huyện tiến hành song song là tăng cường xúc tiến đầu tư, trao đổi thương mại. Với chiến lược kinh doanh và tiếp cận thị trường nhanh nhạy, huyện đã hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, mở cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm tại Lào và các nước Châu Phi. Sản phẩm của 10 làng nghề truyền thống được quảng bá, giới thiệu rộng rãi thông qua website Làng nghề truyền thống của huyện. Thạch Thất tự hào khi có nhiều doanh nghiệp trở thành đầu mối nhập khẩu, cung cấp nguyên, vật liệu cho toàn khu vực miền Bắc. Sản phẩm làng nghề Thạch Thất đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Chính cách làm bài bản, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với tìm đầu ra cho làng nghề đã giúp kinh tế của Thạch Thất phát triển kinh tế bền vững, với cơ cấu hợp lý (CN - TTCN - xây dựng chiếm 67,7%; nông - lâm - thủy sản chiếm 11,6%; thương mại - dịch vụ chiếm 20,7%), tăng trưởng bình quân 11,89%/năm; thu hút đầu tư phát triển hơn 9.886 tỷ đồng; thực hiện được mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân.
Ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2015-2020 Với mục tiêu phấn đấu trở thành huyện phát triển tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội trong nhiệm kỳ 2015-2020, Thạch Thất tập trung thực hiện ba khâu đột phá. Một là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ, phẩm chất, năng lực công tác, ý thức, trách nhiệm, tâm huyết với công việc… Hai là, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là xây dựng hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng xây dựng NTM, cung cấp nước sạch, xử lý ô nhiễm môi trường. Ba là, bảo tồn và phát huy truyền thống, lấy văn hóa làm động lực, nền tảng tinh thần để phát triển bền vững kinh tế - xã hội; xây dựng con người Thạch Thất phát triển toàn diện. Huyện phấn đấu trở thành huyện NTM; tăng trưởng kinh tế bình quân 12,68%/năm; thu nhập bình quân 70 triệu đồng/người/năm. |
Diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét
Với 34,8% diện tích tự nhiên là núi, 35,2% đồi gò và 5,2% dân số là người dân tộc thiểu số, Thạch Thất gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới (NTM). Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, giúp nhân dân hiểu xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân từ đó cộng đồng trách nhiệm thực hiện. Trong 5 năm, hơn 3.705 tỷ đồng đã được đầu tư cho xây dựng NTM, trong đó có hơn 1.500 tỷ đồng là nguồn vốn xã hội hóa, có gia đình ủng hộ hơn 2 tỷ đồng. Nhân dân còn tự nguyện hiến 21.000m2, hộ nhiều nhất là 770m2 đất thổ cư để phát triển giao thông, thủy lợi, xây dựng trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa. Riêng tại 3 xã Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân, trước thuộc tỉnh Hòa Bình, số kinh phí được đầu tư trong 5 năm qua ước tính bằng tổng kinh phí đầu tư của 30 năm trước. Tại 3 xã này, đường nhựa, đường bê tông về tới tận thôn; trạm y tế được xây dựng đạt chuẩn; hệ thống trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại… Chính quyền và nhân dân đã nỗ lực vươn lên bắt nhịp với đời sống chung của toàn huyện. Người dân ở đây đã biết đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào sản xuất, chăn nuôi để phát triển kinh tế. Những mô hình chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng khoa học tiến bộ đầy triển vọng tại xã Yên Trung cho thấy tư duy và cách làm của bà con đã thay đổi rất nhiều so với trước, người dân năng động hơn nên tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 20% xuống còn 3,1%.
Chính sự vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Nhà nước và thành phố đã giúp Thạch Thất huy động được sức mạnh tổng hợp để xây dựng NTM. Khi mới triển khai xây dựng NTM, xã cao nhất chỉ đạt 7/19 tiêu chí, xã thấp nhất đạt 3/19 tiêu chí. Sau 5 năm, Thạch Thất trở thành một trong 4 huyện dẫn đầu thành phố về xây dựng NTM và dự kiến đến hết năm 2015 có 13 xã đạt 19/19 tiêu chí (vượt 2 xã so với mục tiêu đại hội đề ra), 9 xã còn lại đạt 14-18 tiêu chí. Diện mạo nông thôn thực sự đổi mới, sáng - xanh - sạch đẹp hơn. Cùng với đó, hệ thống chính trị được kiện toàn theo Đề án 06 của Ban Thường vụ Thành ủy đã bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Vai trò của chi bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ ở 196 thôn được nâng lên rõ rệt; hoạt động của ban lãnh đạo thôn, các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong xây dựng NTM, dồn điền đổi thửa, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Mấu chốt là đổi mới phương thức lãnh đạo
Trong 5 bài học Đảng bộ huyện Thạch Thất đúc rút trong nhiệm kỳ 2010-2015, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy chính là bài học mấu chốt mang lại thành công của huyện. Triển khai bất kỳ nhiệm vụ nào phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, dứt điểm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Điểm nổi bật ở nhiệm kỳ qua, các cấp ủy ở Thạch Thất đã đổi mới việc ban hành nghị quyết, đi sâu chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm như công tác GPMB, xây dựng NTM, những vấn đề dân sinh bức xúc. Một phong cách lãnh đạo đã được định hình rõ nét trong cấp ủy là chỉ đạo tập trung, kiên quyết, xác định những việc, lĩnh vực, địa bàn khó khăn, phức tạp ưu tiên giải quyết gắn với coi trọng kiểm tra, giám sát, tổng kết rút kinh nghiệm.
Chìa khóa dẫn tới thành công còn là ở sự mạnh dạn đổi mới công tác cán bộ, bởi suy cho cùng cán bộ là "cái gốc" của mọi công việc. Để chăm lo cho cái gốc bền vững, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện tiếp tục coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm và bố trí cán bộ. Hai lớp đại học chuyên ngành quản lý kinh tế, 3 lớp trung cấp lý luận chính trị, 1 lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn được quy hoạch chức danh lãnh đạo quản lý, 97 lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ đã được tổ chức, giúp hàng nghìn lượt cán bộ nâng cao trình độ, tiến tới chuẩn hóa đội ngũ cán bộ. Đây cũng là nhiệm kỳ mà công tác luân chuyển được tiến hành nhiều nhất với việc luân chuyển 51 cán bộ. Đặc biệt, Thạch Thất mạnh dạn bố trí nhiều cán bộ trẻ (trong đó có 3 bí thư cấp ủy, 9 chủ tịch UBND xã, 4 cấp trưởng và nhiều cấp phó phòng, ban của huyện). Đa số những cán bộ này đều thực hiện tốt nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngược lại, huyện cũng kiên quyết miễn nhiệm, thay thế cán bộ uy tín thấp, năng lực yếu, bảo thủ trì trệ. Chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên, đội ngũ cán bộ được củng cố, kiện toàn là điều kiện tiên quyết để Đảng bộ Thạch Thất thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của nhiệm kỳ 2010-2015. Đây chính là nguồn lực nội sinh to lớn để Thạch Thất vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện mục tiêu trở thành huyện phát triển tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội trong nhiệm kỳ 2015-2020.
Nhiều hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thạch Thất |
Những con số ấn tượng Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2010-2015 của Thạch Thất đạt 11,89%; thu hút đầu tư hơn 9.886 tỷ đồng; tổng giá trị sản xuất năm 2015 ước đạt hơn 12.551 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước ước đạt 121 tỷ đồng; thu nhập bình quân 35 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 85 triệu đồng/ha. Các lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường và giải phóng mặt bằng có nhiều chuyển biến tích cực. 65 tuyến giao thông (172km), 415 phòng học và phòng bộ môn, 15 nhà văn hóa, 215km giao thông nội đồng, 5 trạm y tế được đầu tư xây dựng. Đặc biệt, huyện Thạch Thất đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong 5 năm, huyện đã thu hồi 485,3ha đất của 6.257 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện 35 dự án mà không có khiếu kiện, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, nhất là quyền lợi chính đáng của nhân dân. Ngành giáo dục - đào tạo Thạch Thất dẫn đầu khối huyện của ngành giáo dục - đào tạo Thủ đô; 55,3% lao động qua đào tạo (vượt 15,3% mục tiêu đề ra). |