Thu hút gắn với sử dụng hiệu quả
Công nghệ - Ngày đăng : 07:31, 27/06/2015
Tại cuộc hội thảo nói trên, ông Trần Đắc Hiến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN) cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc thu hút những trí thức KH&CN giỏi về nước làm việc không phải là việc đơn giản. Kinh nghiệm thực tiễn ở một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ cho thấy phần lớn nỗ lực đều thất bại. Nguyên nhân chủ yếu là khoảng cách cũng như sự khác biệt về điều kiện làm việc, thu nhập, môi trường, tự do học thuật. Không ít trường hợp về nước làm việc một thời gian rồi trở lại nước ngoài vì môi trường, điều kiện làm việc trong nước không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu.
Nhờ các chính sách khuyến khích của Nhà nước, đã có khá nhiều nhà khoa học Việt kiều về nước làm việc. |
Cho đến nay, mặc dù hệ thống văn bản quy định chính sách thu hút, trọng dụng các chuyên gia KH&CN đã được ban hành khá nhiều, có bước tiến nhất định, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ trí thức nói chung, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng nhằm mời gọi sự đóng góp, sức sáng tạo của họ đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, những chính sách này vẫn chưa đủ mạnh, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà khoa học trình độ cao, có uy tín ở nước ngoài về Việt Nam làm việc, hoạt động KH&CN một cách hiệu quả.
Trong số các giải pháp được đề xuất để thu hút và sử dụng hiệu quả đội ngũ nhà khoa học, ông Trần Đắc Hiến nhấn mạnh tới việc thiết lập một mạng lưới chuyên gia ở nước ngoài. Để làm được điều đó, cần có một số yếu tố. Đó là phải xác định rõ lĩnh vực KH&CN nào cần ưu tiên; xây dựng tiêu chí và số chuyên gia cần thu hút trong từng lĩnh vực, trong từng giai đoạn phát triển. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để liên kết các chuyên gia. Việc xây dựng và phát triển mạng lưới có thể được thực hiện qua nhiều phương thức như: Hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực, thông qua mạng lưới ĐH ở nước ngoài; qua Quỹ VEF (Giáo dục Việt Nam) và một số quỹ tương tự; hoặc qua lời giới thiệu của các nhà khoa học ở nước ngoài.
Thu hút cần gắn với sử dụng
Để thúc đẩy sự phát triển khoa học nói chung cũng như để khắc phục mối liên hệ còn thiếu chặt chẽ giữa nhà khoa học Việt kiều với đất nước, GS Nguyễn Văn Tuấn (trở về từ Australia) đề nghị 3 chương trình hoạt động, trong đó, điều quan trọng là thiết lập một trang mạng liên kết các nhà khoa học, tiếp đến là tổ chức một đại hội các nhà khoa học gốc Việt ở nước ngoài và xây dựng một chương trình học giả (fellowship).
Ông Nguyễn Văn Tuấn đề cập tới một website có tên ivanet.org đang quy tụ hơn 800 nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài và cho rằng, nên nâng cao tính năng của nó, biến trang này thành một hiệp hội trực tuyến dành cho giới khoa học ở nước ngoài cũng như kết nối với các đồng nghiệp trong nước. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, trang mạng đó cũng chưa phải là phương tiện để hiện thực hóa hành động. Một đại hội có sự tham dự của các nhà khoa học trong và ngoài nước sẽ là cơ hội tốt để biểu dương và ghi nhận thành tựu nghiên cứu của người Việt ở hải ngoại, tạo ra mạng lưới liên kết giới khoa học ở trong và ngoài nước. Một hội nghị như thế cũng rất có ích cho việc hình thành chiến lược khoa học cho Việt Nam trong 10 năm tới.
Về chương trình học giả, theo GS Nguyễn Văn Tuấn, để tạo điều kiện cho các nhà khoa học Việt kiều về nước làm việc, cần thiết lập các chương trình nghiên cứu (fellowship program). Hoạt động này nên nhắm vào các mục tiêu chính: Khuếch trương và bảo đảm cho các nhà khoa học ưu tú một sự nghiệp vững vàng, không phải lo cơm áo, gạo tiền; xây dựng môi trường tri thức và cơ sở vật chất để huấn luyện thế hệ khoa học trẻ; khuyến khích chuyển giao công nghệ và ứng dụng. Chương trình cũng cần khuyến khích và tạo điều kiện để các nhà khoa học có mối tương tác với các cơ quan chính phủ và công ty kỹ nghệ. Tóm lại, chương trình này nhằm vào việc xây dựng một cộng đồng khoa học gia loại "hoa tiêu" để nâng cao tính cạnh tranh của nước ta trên trường khoa học quốc tế.
GS Hồ Tú Bảo, đến từ Nhật Bản, nêu ra hai phương thức xây dựng mạng lưới: Dựa trên cơ sở dữ liệu các nhà khoa học và dựa trên mạng xã hội. Ông nhấn mạnh, việc thu hút nên tập trung vào điều Việt Nam cần, như ưu tiên các đề án nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu phát triển, ưu tiên các đề tài lớn mang tính liên ngành có tính cách tân. Theo ông, việc kết nối nên thực hiện theo kiểu "vết dầu loang", mở rộng theo chuyên môn, cộng đồng. Đặc biệt, ông Hồ Tú Bảo khẳng định: Việc xây dựng mạng lưới cần gắn với việc sử dụng chuyên gia, và cần xác định rõ chất lượng của mạng lưới chuyên gia quan trọng hơn số lượng.
Đồng tình với kết luận của ông Hồ Tú Bảo, đại diện Bộ KH&CN cũng cho rằng: Nếu việc thu hút chuyên gia không gắn với việc sử dụng thì sẽ gây lãng phí, khó giữ chân các nhà khoa học. Để tránh điều này thì khi thu hút, sử dụng các trí thức giỏi từ nước ngoài về, cần phải xác định rõ nhiệm vụ và có các dự án nghiên cứu cụ thể, gắn với mục tiêu có sản phẩm cụ thể, tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội. Chính hiệu quả kinh tế - xã hội là thước đo để kiểm chứng tính đúng đắn của chính sách gây dựng mạng lưới...